Bản Tin Dự Báo, Cảnh Báo Tài Nguyên Nước Lưu Vực Sông Hồng – Thái Bình Tháng 4 Năm 2023

Lưu vực sông Hồng – Thái Bình là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm 25 tỉnh, thành phố với tổng diện tích là 88.860 km2.

– Đối với tài nguyên nước mặt: lưu vực sông Hồng – Thái Bình có lượng mưa trung bình nhiều năm dao động từ khoảng 1000mm đến 1300mm, riêng khu vực thượng nguồn sông Đà, lượng mưa năm khá hơn, từ 1300mm đến 1500mm. Tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình là khoảng 131,4 tỷ m3, trong đó lượng nước sản sinh từ địa phận nước ngoài chảy vào Việt nam là 48,3 tỷ m3, lượng nước sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam là 83,1 tỷ m3. Mùa mưa hàng năm thường xuất hiện bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng dòng chảy mùa lũ chiếm khoảng 90% tổng lượng dòng chảy năm. Mùa cạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng dòng chảy mùa cạn chiếm khoảng 10 % tổng lượng dòng chảy năm.

– Đối với tài nguyên nước dưới đất: lưu vực Sông Hồng – Thái Bình hiện nay có 156 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành. Lưu vực sông bao gồm 3 tầng chứa nước chính là tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh), tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) và tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogene và Trias (n & t). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước: tầng chứa nước Holocen (qh) là 4.155.827 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) là 13.108.361 m3/ngày

  1. Tài nguyên nước mặt

Theo số liệu dự báo tổng lượng mưa từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy trong tháng 4/2023, tổng lượng  trên khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN từ 10-20%, riêng khu vực Tây Bắc Bộ thấp hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

 Dự báo tổng lượng nước nội sinh tại các vùng dự báo

Trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình, theo số liệu dự báo tổng lượng nước mặt nội sinh các vùng đều giảm so với tháng trước, các vùng đều giảm khá đồng đều nhau từ 8 đến 23% như lưu vực sông Lô Gâm 8%, lưu vực sông Cầu – Thương 15%, lưu vực sông Đà 18%, lưu vực sông Thao 23%, riêng vùng lưu vực sông Hồng là 14%..

  1. Tài nguyên nước dưới đất

2.1. Thông báo tình hình tài nguyên nước dưới đất

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh)

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen trên (qh2): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 27/40 công trình mực nước hạ, 11/40 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 2/40 công trình mực nước dâng. Giá trị hạ thấp nhất là 0,47m tại xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Q.147) và giá trị dâng cao nhất là 0,1m tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Q.108M1).

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen dưới (qh1): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 19/24 công trình mực nước hạ, 3/24 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 2/24 công trình mực nước dâng. Giá trị hạ thấp nhất là 0,94m tại P. Quang Trung,  TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.84a) và giá trị dâng cao nhất là 0,12m tại P. Quán Trữ, Q. Kiến An, TP. Hải Phòng (Q.164a).

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp)

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen trên (qp2): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế không rõ ràng, có 6/13 công trình mực nước hạ, 6/13 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 1/13 công trình mực nước dâng. Giá trị hạ thấp nhất là 0,4m tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội (Q.176) và giá trị dâng cao nhất là 0,14m tại TT. Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (Q.131a).

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen dưới (qp1): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 41/62 công trình mực nước hạ, 13/62 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 8/62 công trình mực nước dâng. Giá trị hạ thấp nhất là 0,49m tại P. Phú Lãm, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội (Q.69a) và giá trị dâng cao nhất là 0,37m tại xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định (Q.109a).

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogen và Trias (n & t): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 10/12 công trình mực nước hạ, 2/12 công trình mực nước dâng. Giá trị dâng cao nhất là 0,77m tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Q.193b) và giá trị hạ thấp nhất là 0,59m tại P. Trung Tự, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội (Q.215).

2.2. Dự báo tài nguyên nước dưới đất

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh)

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen trên (qh2): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với thực đo tháng 3 có xu thế dâng hạ không đáng kể, có 18/40 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể, 15/40 công trình mực nước dâng và 7/40 công trình mực nước hạ. Mực nước dâng từ 0,5 đến 1m tập trung ở tỉnh Vĩnh Phúc và mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở tỉnh Bắc Ninh, khu vực bắc Hà Nội.

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen dưới (qh1): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với thực đo tháng 3 có xu thế dâng hạ không đáng kể, có 13/24 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể, 7/24 công trình mực nước hạ và 4/24 công trình mực nước dâng. Mực nước hạ từ 0,05 đến 0,2m tập trung ở khu vực TP. Hà Nội. Mực nước dâng từ 0,05 đến 0,2m phân bố rải rác ở khu vực Hải Phòng, Hà Nam .

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp)

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen trên (qp2): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với thực đo tháng 3 có xu thế hạ, có 9/14 công trình mực nước hạ, 4/14 công trình mực nước dâng và 1/14 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước dâng từ 0,05 đến 0,2m tập trung ở khu vực Bắc Ninh, TP. Hà Nội, Hưng Yên và mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở khu vực Vĩnh Phúc, nam Hà Nội, Hà Nam.

Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen dưới (qp1): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với thực đo tháng 3 có xu thế hạ, có 31/62 công trình mực nước hạ, 17/62 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 14/62 công trình mực nước dâng. Mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định. Mực nước dâng từ 0,05 đến 0,2m phân bố rải rác ở khu vực Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam.

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogen và Trias (n & t): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với thực đo tháng 3 có xu thế dâng hạ không đáng kể, có 7/12 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể, 5/12 công trình mực nước hạ. Mực nước hạ từ 0,05 đến 0,2m tập trung ở TP. Hà Nội.

2.3. Cảnh báo tài nguyên nước dưới đất

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời điểm hiện tại có 8 công trình có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Các đơn vị khai thác nước dưới đất cần chú ý chế độ khai thác quanh khu vực này.

  1. Đề xuất, kiến nghị

Đi vi tài nguyên nước mt: Hiện tượng El nino sẽ chi phối thời tiết của toàn bộ Việt Nam trong năm 2023. Tháng 4 là tháng cuối của mùa khô của lưu vực nên tổng lượng nước mặt nội sinh dự báo trên phạm vi lưu vực sông Hồng – Thái Bình có xu thế giảm so với cùng kỳ tháng trước, đạt trung bình 1,21 tỉ m3. Đa số các vùng dự báo cho có kết quả lượng nước nội sinh đủ cho các nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt tuy nhiên trong đó xem xét lưu vực sông Thao và sông Đà có xu thế giảm tương ứng 37,8 triệu m3 và 83,8 triệu m3 so với tháng trước do vậy cần xây dựng các chính sách trong khai thác, sử dụng TNN hiệu quả giữa các ngành sử dụng nước nhằm phục vụ phát triển bền vững (Kinh tế – Xã Hội – Môi trường). Tương ứng là việc cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thông qua các quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BTNMT Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước với đặc thù là lưu vực sông có nhiều hệ thống hồ chứa bậc thang lớn ở miền Bắc và cả nước.

Dựa trên nhu cầu tháng của các tiểu vùng có thể nhận định trong tháng 4 năm 2023 lượng tài nguyên nước nội sinh dự báo vẫn đảm bảo phân bổ đủ 100% nhu cầu của các đối tượng sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất theo quy định tại Điều 21, Thông tư 04/2020/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh.

Đối với tài nguyên nước dưới đất: Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời điểm hiện tại có 8 công trình có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Vì vậy, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến mực nước dưới đất các tầng chứa nước tại địa phương và trong các bản tin dự báo tiếp theo để phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất.

Xem chi tiết tại đây