Với đặc điểm nổi bật là có nhiều không gian xanh, hài hòa hệ sinh thái nhân tạo, các đô thị xanh giúp giảm thiểu “khí nhà kính”, chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Quá trình đô thị hóa đã khai thác và sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Điều này làm môi trường ở đô thị ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên suy thoái. Sức khỏe người dân đô thị do đó cũng bị ảnh hưởng.
Ở nước ta, công cuộc “đổi mới” (1986) đã mở ra một thời kỳ phát triển đô thị hóa nhanh. Năm 1990, cả nước mới có 500 đô thị, đến năm 2000 tổng số đã là 649 và đến nay tổng số đô thị ở nước ta đã đạt tới 766. Hầu hết các đô thị đều quy hoạch, xây dựng và phát triển theo phương pháp truyền thống.
Đô thị loại 1 và 2 đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống xấu, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái và đô thị bền vững về môi trường là một hướng đi mới, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng trong thực tiễn.
Trên thế giới, một số nước đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái, như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)…
Lợi ích mà đô thị xanh mang lại với cuộc sống người dân là điều không thể bàn cãi. Với đặc điểm nổi bật là có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị) và hệ sinh thái tự nhiên, nó sẽ tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm sức khỏe và tiện nghi cho người dân. Với những lợi ích như vậy, xây dựng đô thị xanh cần thực hiện các tiêu chí:
Quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý và bảo đảm không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của đô thị xanh, đô thị sinh thái: Quy hoạch đô thị xanh phải tạo ra các không gian xanh và mặt nước sao cho người dân đô thị, khách vãng lai, khách du lịch, khi đi trên đường phố không bị các mảng bê tông che chắn, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, thảm cỏ xanh.
Hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và khí hậu, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố không thể thiếu. Chúng phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo của nhân dân và khách du lịch.
Giao thông đô thị xanh: đây là một tiêu chí rất quan trọng. Các tiêu chí đánh giá giao thông đô thị bền vững, giao thông đô thị xanh là: quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt dần tiêu chuẩn môi trường; cải tiến công nghệ sản xuất xe; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.
Công nghiệp xanh: Sản xuất công nghiệp sẽ phát thải ra nhiều chất thải khí, chất thải lỏng và chất thải rắn, làm môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Vì vậy muốn bảo đảm đô thị xanh, phải phát triển công nghiệp xanh với các tiêu chí cơ bản: sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu có hiệu quả cao, tức là tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất, sản xuất ra các sản phẩm nhiều nhất; phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp; cải tiến quá trình công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện chu trình tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho năng tượng từ đốt nhiên liệu hóa thạch.
Công trình kiến trúc xanh (Green Building): Các công trình kiến trúc đô thị có thể tiêu thụ tới 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn đô thị. Để trở thành đô thị xanh, các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: xanh hóa công trình; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh.
Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, lịch sử: phục vụ đắc lực cho truyền thống sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt văn hóa và tham quan của nhân dân đô thị cũng như khách du lịch.
Chất lượng môi trường đô thị xanh: các đô thị xanh phải đạt được chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch.
Cộng đồng dân cư đô thị sống thân thiện với môi trường: cộng đồng dân cư của đô thị xanh có nhận thức cao và có ý thức tự giác sống hòa hợp với nhau, đặc biệt là ứng xử có văn hóa trong tham gia giao thông và thân thiện với môi trường tự nhiên.
Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, phát triển “đô thị xanh” là giải pháp giúp các thành phố Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
ST