Trong khi nước đang bị dùng một cách lãng phí trên toàn thế giới, thì con người đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch trong hơn chục năm nữa, nếu không biết quản lý nước một cách hiệu quả ngay từ bây giờ. 1,1 tỷ người không được dùng nước sạch
Không đợi đến ngày nước sạch thế giới hàng năm thì nguồn nước an toàn cho sinh hoạt của người dân mới trở thành một trong những vấn đề thiết yếu với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo các dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tới năm 2025 sẽ có khoảng 60% dân số thế giới sống tại các khu vực khan hiếm nước sạch.
Nhưng thiếu nước không phải chỉ là một vấn đề trong dài hạn. Hiện nay có khoảng 1,1 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận thường xuyên đến nước sạch và 1,6 triệu người chết mỗi năm do sử dụng nước uống không an toàn. Khoảng 10% bệnh dịch trên thế giới có thể được ngăn ngừa thông qua cải thiện chất lượng nước.
Tại Việt Nam, mặc dù Chương trình Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường thực hiện từ năm 2000 đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện nay gần 20% số dân vùng nông thôn vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh. Và vì không được cung cấp nước sạch, người dân ở thôn quê hàng ngày phải đối diện với nhiều loại dịch bệnh cùng với những nguy cơ do ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước bẩn gây ra.
Trong Ngày Nước thế giới 22-3 năm nay do Liên hợp quốc tổ chức, một câu hỏi được đặt ra là nếu các phương pháp mới không được ứng dụng để quản lý tốt hơn tài nguyên nước quý giá thì điều gì sẽ xảy ra khi dân số toàn cầu đạt tới con số 9 tỷ vào năm 2050?
Theo Liên hợp quốc, 70% nước tự nhiên được sử dụng để tưới cho cây trồng. Tại các cộng đồng có các hệ thống xử lý nước, khoảng 20% nguồn nước bị thất thoát do cơ sở hạ tầng cấp nước bị rò rỉ. 95% các thành phố trên thế giới xả trực tiếp nước thải vào môi trường nước, thường là khi các hệ thống xử lý bị quá tải.
Quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn
Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu sử dụng những phương thức mới, hiệu quả hơn để quản lý nước, chất lượng nước cũng như những ảnh hưởng của lụt lội và hạn hán.
Có ba vấn đề lớn liên quan đến nguồn tài nguyên nước bền vững: khối lượng, chất lượng và lượng năng lượng cần phải sử dụng để bảo đảm nước an toàn. Các công cụ công nghệ tiên tiến hiện đã sẵn sàng để phân tích chất lượng nước, hiệu quả của cơ sở hạ tầng xử lý và phân phối nước. Những kiến thức thu được nhờ năng lực phân tích này có thể được sử dụng để hạ thấp ô nhiễm và nâng cao hiệu suất.
Viện Hải dương học Ai-Len, đang hợp tác với tập đoàn công nghệ IBM để giám sát vịnh Galway thông qua sử dụng năng lực phân tích tiên tiến để đánh giá các điều kiện bờ biển, các cấp độ ô nhiễm và đời sống dưới biển.
Thành phố Amsterdam sử dụng công nghệ để giám sát các hệ thống đê biển phức tạp của mình, đồng thời quản lý lụt lội một cách hiệu quả.
Tại New York, con sông Hudson và hệ thống cửa sông của nó có một mạng lưới giám sát và dự báo dựa trên công nghệ được thiết kế để kiểm soát ô nhiễm và các tác động có hại.
Việc sử dụng các công nghệ cảm biến cùng với các công cụ phân tích đang được triển khai tại Ai-Len, Amsterdam và New York giúp cung cấp các số liệu về chất lượng nước cho các cơ quan quản lý tài nguyên nước, y tế cộng đồng và các tổ chức bảo vệ môi trường.
Tại Ai-Len, cổng thông tin SmartBay về vịnh Galway cung cấp cho các nhà nghiên cứu khả năng tiếp cận số liệu về môi trường trực tiếp từ các máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay từ bất cứ đâu trên thế giới. Việc giám sát theo thời gian thực có thể giúp tránh được những ô nhiễm có thể gây ra những tổn thất rất lớn. Đó chính là bước đi đầu tiên trong việc phát triển các hệ thống quản lý nước thông minh hơn có thể đáp ứng các nhu cầu về nước của một dân số ngày càng lớn trên thế giới.
Ngày nước thế giới năm 2011 có chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước trong phát triển bền vững các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Trong hai ngày 21 và 22-3, Lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới được Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Trong hai ngày này, Bộ TN-MT sẽ chủ trì các hoạt động hưởng ứng bao gồm: hội thảo, tọa đàm, diễu hành, treo băng rôn về Ngày nước thế giới năm 2011 trên các tuyến phố chính tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, giao lưu văn nghệ và các hoạt động thiết thực khác về tài nguyên nước.
(Theo Nhân Dân Điện Tử)