Cỏ cây hút nước thải

tt969Khả năng hút chất thải, làm nước hồ trở lại trong xanh của nhiều loài cây đã được ghi nhận. Nhiều mô hình xử lý nước rỉ rác từ cây cỏ đã được đưa ra.  Nước rỉ rác là loại nước thải có thành phần các chất ô nhiễm rất cao, khó xử lý. Nước rỉ rác có thể ngấm xuống đất, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm và sức khỏe cộng đồng.

Xử lý nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp rác hiện đang là vấn đề “nóng” tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Ðây là nguồn nước thải độc hại do có chứa nhiều chất độc hại hủy diệt đối với sinh vật và con người như ni-tơ, a-mô-ni-ắc, vi khuẩn gây bệnh đường ruột, BOD… Hiện đã có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng xử lý nước rỉ rác, nhưng phần lớn các công trình này hiệu quả đều không cao, không đáp ứng được yêu cầu xử lý đạt tiêu chuẩn thải với các chỉ tiêu COD và ni-tơ tổng. Trên thực tế, việc xử lý nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp Ðông Thạnh, Gò Cát, Phước Hiệp và Ða Phước (TP. Hồ Chí Minh) gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân khó xử lý triệt để là bởi thành phần nước rỉ rác luôn thay đổi do rác đem chôn lấp không được phân loại.
Bên cạnh những hệ thống xử lý được đầu tư quy mô, hiện đại, vẫn còn những công nghệ chỉ được đầu tư tạm thời, nên đã và đang bộc lộ nhiều bất ổn. Các công trình này cho kết quả không ổn định do chất lượng nước rỉ rác biến động theo mùa; giá xử lý nước rỉ rác thường rất cao, trở thành gánh nặng cho ngân sách các địa phương. Mặt khác, việc chuyên chở nước rỉ rác còn gây ô nhiễm cho các nơi xe đi qua, chi phí chuyên chở cũng gây tốn kém lớn, chưa kể đôi khi các xe này còn xả “trộm” gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.
Tìm giải pháp xử lý với chi phí thấp, hiệu quả cao và thân thiện với môi trường là bài toán cho nhiều nhà khoa học.
Nhóm nhà khoa học Đại học Quốc gia TP.HCM đã thử nghiệm khả năng xử lý nước rỉ rác với cây sậy, cỏ nến, cây ráng, cỏ vetiver với mô hình tạo khu vực đất ngập nước rỉ rác và trồng cây trong nước đó.
 
Kết quả thử nghiệm cho thấy, sậy là loài có khả năng xử lý tốt với hiệu suất cao trên 90% đối với tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu là BOD5, COD, Coliform… Cỏ nến có hiệu suất loại bỏ các chất ô nhiễm thấp hơn sậy nhưng cũng thích hợp với xử lý nước rỉ rác. Trồng cây ráng trong nước rỉ rác, cây phát triển liên tục, lá xanh, khả năng xử lý chất ô nhiễm khá tốt, một số chỉ số đạt 90%. Ráng là loại thực vật ngập nước, có thân cứng nên vẫn có thể sống và phát triển tốt trong môi trường nước rỉ rác ô nhiễm ngập vào chục cm. Cỏ vertiver đạt hiệu suất xử lý 77%, tuy nhiên cây phát triển không tốt, lá vàng nên không phù hợp lắm.
Một giải pháp khác được Hội Nước và Môi trường đưa ra là tận dụng diện tích đất tại bãi chôn lấp để trồng cây có giá trị kinh tế cao như cỏ vetiver, cỏ voi, cỏ singnal hoặc cây dầu mè, có tên “cánh đồng tưới” và “cánh đồng lọc”.
Công nghệ cánh đồng tưới (trồng cây có thu hoạch sản phẩm) và cánh đồng lọc (trồng cây không thu hoạch sản phẩm) sử dụng thực vật để xử lý nước thải dựa trên nguyên lý mỗi loại thực vật có hệ vi sinh vật riêng, có thể xử lý các chất hữu cơ trong tự nhiên để hình thành chất khoáng đạt yêu cầu hấp thụ của cây trồng. Qua bộ rễ, phản ứng đồng hóa của thực vật có thể xử lý các chất ô nhiễm có trong nước. Ngoài ra, qua bộ lá, thực vật còn có thể xử lý được khí thải, mùi hôi và khí CO2 có trong nước thải.
Theo TS. Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, nếu kết hợp được cả hai mô hình là xử lý bằng phương pháp hóa lý và xử lý sơ bộ các chất ô nhiễm đạt mức độ nhất định; sau đó chuyển toàn bộ lượng nước thải này sang pha loãng để tưới cho các loại cây trên, thì hiệu quả xử lý nước rỉ rác triệt để hơn rất nhiều. Và chắc chắn, nước rỉ rác không còn là mối quan ngại đối với bất kỳ nhà đầu tư cũng như cộng đồng dân cư sống gần khu vực bãi chôn lấp rác.
Như vậy, giải pháp sử dụng các thực vật bản địa để xử nước rỉ rác và nước thải nói chung là hoàn toàn khả thi.
 

 

 (Theo Monre.gov.vn)