Băng trôi – Giải pháp cho khủng hoảng tài nguyên nước

tt845Là “ác mộng” của các loại tàu bè di chuyển gần Bắc Cực, băng trôi giờ đây được xem như là một giải pháp hữu hiệu dành cho những quốc gia khan hiếm nguồn nước ngọt.

Từng là nguyên nhân nhấn chìm Titanic xuống đáy đại dương, hiện nay, những tảng băng trôi đang mang theo niềm hy vọng, trở thành nguồn cung cấp nước ngọt cho thế giới.

Khó khăn duy nhất mà các nhà khoa học hiện đang gặp phải là làm thế nào để kéo được những khối băng khổng lồ từ các vùng cực về đúng những khu vực cần sử dụng. Tuy nhiên, giấc mơ khai thác nước từ các tảng băng trôi đã tiến thêm một bước quan trọng, làm tăng mức độ khả thi của nghiên cứu này, nhờ vào công trình khảo sát của nhóm chuyên gia đến từ Pháp.

Tham vọng biến những tảng băng trôi khổng lồ, lạnh lẽo thành những dòng nước ngọt xuất hiện từ thời hoàng thân Muhammed al Faisal hồi thập niên 1970. Al Faisal, cháu trai của vua Khalid đã cùng hợp tác với kiến trúc sư người Pháp là Georges Mougin để thành lập một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh nước uống từ băng.

Tuy nhiên, công ty này đã sớm đóng cửa vì sự liều lĩnh của mình, dám đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh được đánh giá là thiếu tính thực tế. Sau đó hơn 30 năm, bắt đầu từ năm 2003, kiến trúc sư Georges Mougin tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, khôi phục lại ý tưởng trước đây chưa thực hiện được với sự trợ giúp của mô hình máy tính từ Công ty Dassault Systemes, Pháp.

Những cuộc thử nghiệm mới đây dựa trên mô hình máy tính này đã phác thảo kế hoạch đưa nước ngọt từ cực Bắc xuống châu Phi. Theo chương trình dự kiến có trị giá lên tới 11,5 triệu USD (tương đương 8 triệu EURO), một tảng băng sẽ được kéo từ Greenland (một đảo lớn nhất thế giới, trải rộng trong vùng cực Bắc) tới quần đảo Canary, ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi.

Kết quả mô phỏng trên máy tính cho thấy, chỉ cần một chiếc tàu kéo cũng có thể thực hiện được quãng đường nói trên chỉ trong vòng khoảng 140 ngày, kéo theo tảng băng nặng cỡ 7 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch hàng năm cho hơn 35.000 người.

“Có thể dễ dàng nhận thấy, chúng tôi đã tạo ra một thế giới ảo để có thể cung cấp một phương pháp giúp ông Mougin hiểu được cách thức vận chuyển một tảng băng như thế nào trên thực tế, trong khi theo dõi mức nhiên liệu tiêu thụ và độ tan chảy của tảng băng trong quá trình di chuyển”, ông Cedric Simard, Giám đốc Dự án Dassault Systemes phát biểu.

Việc kéo băng có thể gặp những rủi ro lớn trong trường hợp biển nổi sóng lớn. Tuy nhiên, nhà kiến trúc Mougin đã nghĩ đến một giải pháp giúp khắc phục, hạn chế tối đa các trường hợp xấu có thể xảy ra, đó là sử dụng một tấm chắn cao 12 m để bảo vệ tảng băng tránh khỏi sự ăn mòn của nước biển.

Việc thử nghiệm trên thực tế sẽ được tiến hành vào năm 2012 hoặc năm 2013. Và Mougin hiện đang hướng đến một số tảng băng tại Greenland và rất nhiều tảng băng khác tại Nam Cực.

Việc đầu tiên mà các nhà nghiên cứu cần phải làm ngay là tiến hành xây dựng và thử nghiệm những tấm chắn, để đảm bảo mức độ an toàn nhất trong quá trình thực hiện.

Trả lời phỏng vấn trên website InnovationNewsDaily, ông Simard nhấn mạnh: “Hiện Mougin đang tiến hành chỉnh sửa lại những thiết kế kỹ thuật của tấm chắn, tất cả sẽ phụ thuộc vào những nguyên liệu mà ông sử dụng cuối cùng”.

Bất kỳ một nghiên cứu có liên quan đến đại dương nào cũng cần phải được chuẩn bị thật kỹ để đối phó với những tình huống xấu nhất khi thời tiết khắc nghiệt hay biển động. Vì vậy, với nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng cần thêm thời gian để kiểm tra và thử nghiệm trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi. 




(Theo Thu Trang – baodatviet.vn dịch từ Livescience)