Với sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng tài nguyên nước và đất ngày càng tăng, việc phân bố nguồn nước một cách bền vững trở thành một thách thức đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Vùng nam sông Hậu, một trong những khu vực quan trọng của Việt Nam, cũng đối mặt với những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước và đất. Sự khai thác không hợp lý có thể dẫn đến suy thoái đất, nghẽn mực nước, và ảnh hưởng đến sinh thái địa phương và đời sống của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, đề tài:” Nghiên cứu tích hợp các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất trong phân bổ nguồn nước nam sông Hậ ” đã tập trung vào việc tích hợp các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất. Các chỉ số này được xây dựng dựa trên nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng tài nguyên nước và đất, sự sử dụng hiện tại và xu hướng tương lai. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích đa biến để đánh giá mức độ bền vững của việc sử dụng tài nguyên nước và đất trong vùng nam sông Hậu.
Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã đạt được kết quả sau:
- Đã tổng quan được các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và tài nguyên đất trong quy hoạch phân bổ nguồn nước của thế giới, trong nước và khu vực Nam sông Hậu. Từ đó phân tích được bức tranh tổng quan về việc xây dựng các chỉ số tài nguyên nước và đất trên thế giới, tham khảo một số các nghiên cứu phù hợp về tính toán chỉ số bền vững trong quy hoạch phân bổ, các chỉ số độ bền vững tài nguyên nước. Đề tài đã tổng quan được các kết quả, tài liệu chuyển giao của Đối tác Đức, đặc biệt bộ chỉ số và các tài liệu liên quan phục vụ tính toán chỉ số.
- Đã đề xuất các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và đánh giá các yếu tố chính cần nghiên cứu ảnh hưởng đến tính bền vững của tài nguyên nước và đất trong quy hoạch phân bổ nguồn nước. Đối với cơ sở khoa học đã đề xuất ra 4 nguyên tắc để xây dựng các chỉ số thành phần, 2 nguyên tắc xây dựng bộ chỉ số. Về cơ sở thực tiễn bộ chỉ số xuất phát từ yêu cầu của công tác quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, phải gắn với các yếu tố, nội dung chính của quy hoạch phân bổ và đại diện cho tài nguyên nước có xem xét tác động khai thác sử dụng đất trên lưu vực sông đảm bảo theo tinh thần định hướng của Nghị quyết 120. Mặt khác, cơ sở từ kinh nghiệm của Đối tác Đức đã xây dựng và chuyển giao được bộ chỉ số ban đầu cho đề tài. Từ đó xem xét các yếu tố chính cần nghiên cứu về tài nguyên nước và đất trong phân bổ tài nguyên nước. Bộ chỉ số được đề xuất trên các nguyên tắc đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn của Việt Nam, kế thừa tối đa bộ chỉ số được chuyển giao và bổ sung phù hợp để áp dụng trong quy hoạch phân bổ Nam sông Hậu.
- Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất ra 4 nhóm chỉ số với 17 chỉ số thuộc bộ chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất với các nhóm chỉ số nước mặt, chỉ số nước dưới đất, chỉ số đất và nhóm đánh giá sự phù hợp của quy hoạch. Trong bộ chỉ số này có 6 chỉ số được kế thừa hoàn toàn từ bộ chỉ số được chuyển giao của Đối tác Đức, 8 chỉ số có kế thừa, điều chỉnh cho phù hợp và 3 chỉ số được bổ sung mới cho phù hợp với công tác quy hoạch phân bổ ở Việt Nam.
Việc phân cấp các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất được phân làm 4 cấp với các mức độ từ kém, trung bình, tốt, rất tốt tương ứng với các điểm số từ [0-0.25], [0.26- 0,50], [0,51-0,75] và [0,76-1] thể hiện rất kém bền vững, bền vững trung bình, bền vững khá và rất bền vững. Các chỉ số có thể định lượng được xác định thông qua tính toán bằng phương pháp thống kê và mô hình toán, phương pháp tham vấn lấy ý kiến cộng đồng và tổ chức hội thảo xin ý kiến chuyên gia.
- Đề tài đã áp dụng bộ chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất, với quy trình tính toán 8 bước để tính toán cho quy hoạch phân bổ Nam sông Hậu. Để lựa chọn được các chỉ số phù hợp, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của khu vực Nam sông Hậu, sau đó thu thập phân tích dữ liệu và chuẩn hóa tài liệu, tiến hành tính toán phân cấp, tính điểm và đánh giá các chỉ số trong các tiểu vùng quy hoạch khu vực Nam sông Hậu. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, về diễn biến tài nguyên nước phân hóa rõ rệt giữa mùa mưa và mùa khô, các chỉ số cơ bản đảm bảo bền vững cả năm nhưng trong giai đoạn mùa khô mất bền vững rõ rệt, thậm chí ở mức rất kém bền vững như một số các tiểu vùng L1, L2, M3, tuy nhiên lưu ý những tiểu vùng có mật độ dân số cao, cần ưu tiên phân bổ tài nguyên nước phù hợp.
Về chất lượng nước có một số vùng vào thời điểm trong mùa khô, mùa mưa xẩy ra kém bền vững như vùng L1,L2. Vào mùa mưa, chất lượng nước đạt mức tốt hơn nhưng thay đổi không đáng kể trên toàn lưu vực. Nhìn chung chất lượng nước khu vực Nam sông Hậu đạt mức trung bình. Về nước dưới đất trữ lượng nước ngầm còn khá tốt tuy nhiên, tuy nhiên một số khu vực đã có tốc độ hạ thấp mực nước như vùng M3, M2 đặc biệt đáng báo động vùng M3 có tốc độ hạ thấp >0.5m/năm , cần có những biện pháp tăng cường khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn nước dưới đất cho khu vực.
Đối với đánh giá tài nguyên đất, qua việc đánh giá diện tích tưới cho cây lúa thấy rằng trung bình đối với lúa 2 vụ, hiện trạng tưới cơ bản đáp ứng nhu cầu ở mức bền vững trung bình, trong đó có vùng M3 bền vững kém. Tất cả các tiểu vùng Nam sông Hậu nếu tang mùa vụ lên 3 vụ lúa sẽ gây thiếu nước trầm trọng, gây mất khả năng phục phồi, thoái hóa đất ảnh hưởng đến tính bền vững của đất.
Kết quả của chỉ số có thể biết được mức độ đáp ứng của tài nguyên nước, đất đối với từng loại cây trồng để từ đó tính toán phân bổ phù hợp với đặc thù cây trồng, mùa vụ đảm bảo tính bền vững. Chỉ số này có thể mở rộng để tính toán cho các ngành khác như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi…xem xét giữa nhu cầu và hện trạng khai thác giữa các ngành.
Đối với các chỉ số chỉ số đánh giá việc phân vùng quy hoạch, phân vùng chức năng nguồn nước và phương án phân bổ nguồn nước, nhóm nghiên cứu cũng đã tính toán từ các phiếu điều tra thống kê, các cuộc hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia và cho điểm các chỉ số. Qua kết quả tính toán thấy rằng ý kiến chuyên gia nhất trí cao và việc phân vùng quy hoạch, phân vùng chức năng nguồn nước với các kịch bản, phương án phân bổ là hợp lý, đạt mức độ bền vững khá trên khu vực Nam sông Hậu.
Từ đó nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp tập trung vào các tiểu vùng có điểm số bền vững thấp, nhằm nâng cao tính bền vững của khu vực Nam sông Hậu.
Qua việc tính toán thí điểm bộ chỉ số cho quy hoạch phân bổ khu vực Nam sông Hậu, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận xét bộ chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất áp dụng cho quy hoạch phân bổ nguồn nước khu vực Nam sông Hậu và nhận thấy đây là công cụ hiệu quả để đánh giá định lượng mức độ bền vững tài nguyên nước hiện trạng và giám sát thực hiện quy hoạch tài nguyên nước. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đưa ra một số khuyến cáo được đưa ra để sử dụng bộ chỉ số được hiệu quả hơn.
Đề tài đã đạt được hai mục tiêu chính, (1) đã phối hợp với Đối tác Đức xây dựng được bộ chỉ số tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất phục vụ phân bổ nguồn nước; (2) đã áp dụng thí điểm phân bổ nguồn nước vùng Nam sông Hậu. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã xem xét tích hợp tài nguyên nước và đất trong bài toán quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, đảm bảo phân vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, dựa trên điều kiện về nguồn nước, hiện trạng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để phân vùng và xây dựng các phương án sử dụng tài nguyên hiệu quả cho các vùng. Điều đó đã thể hiện được tích hợp giữa tài nguyên nước và đất theo đúng tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP.
Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã cùng thực hiện việc phân vùng quy hoạch, xác định các chỉ số, đề xuất các phương án phân bổ nguồn nước trên cơ sở tích hợp sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước và đất với Nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nhiệm vụ Quy hoạch LVS Cửu Long), để tận dụng tối đa cùng nghiên cứu với các nguồn nhân lực có kinh nghiệm cũng như có thêm ý kiến của chuyên gia phục vụ cho đề tài; mặt khác cũng là sự đóng góp kết quả của đề tài cho Nhiệm vụ quy hoạch LVS Cửu Long mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ phê duyệt.
Đơn vị thực hiện đề tài là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ dự báo và cảnh báo tài nguyên nước nhận thấy, Bộ chỉ số thực sự có hiệu quả trong việc đánh giá tài nguyên nước, giám sát quy hoạch phân bổ nguồn nước. Vì vậy, Trung tâm đã sử dụng các chỉ số của đề tài như chỉ số đánh giá tổng lượng tài nguyên nước, chỉ số khai thác sử dụng tài nguyên nước để đưa vào bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước hàng tháng và đưa vào hệ thống tác nghiệp tài nguyên nước các chỉ số để giám sát quy hoạch tài nguyên nước. Trong năm 2022, Đơn vị đã thực hiện một một số báo cáo đột xuất cho Cục quản lý tài nguyên nước sử dụng các chỉ số này để đánh giá, dự báo, cảnh báo theo đề nghị của Cục.