Ngày 28 – 7, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra buổi đối thoại “Thách thức của việc phát triển đập trên dòng chính sông Mê Kông đến sinh thái của ĐBSCL” do Tổ chức Sông ngòi Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (thuộc ĐH Cần Thơ) tổ chức.
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Kông là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Tính đến nay đã có 12 dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, trong đó có 10 dự án của Lào (gồm Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom, Ban Koum, Lat Sua, Thakho, Don Sahong) và hai dự án của Campuchia (Stung Treng và Sambor). Đó là chưa kể ở thượng lưu dòng chính sông Mê Kông hiện có bốn đập thủy điện đã xây xong và khoảng tám dự án đập khác đang đề xuất xây, hầu hết là của Trung Quốc.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu hết sức lo lắng với kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện của 4 nước hạ lưu sông Mê Kông gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Sau khi phân tích những lợi ích và tác hại của 12 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia đã kêu gọi cần thêm thời gian để nghiên cứu thêm trước khi đưa ra quyết định. Ông Thiện cho rằng, phải mất thời gian ít nhất 10 năm để hoàn thiện công tác đánh giá những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại hạ lưu sông Mê Kông.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, chuyên gia tài nguyên nước và thủy điện cho hay, nếu hoàn thành 12 đập thủy điện nói trên chỉ đáp ứng được 6 – 8% nhu cầu năng lượng của 4 nước vào năm 2015. Tuy nhiên, chỉ riêng tổn thất về nguồn thủy sản tự nhiên nước ngọt đã lên đến 1 tỉ USD một năm.
(Theo Monre.gov.vn)