Việt Nam – Đức: Tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai phát biểu tại hội thảo
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức và kỷ niệm “Năm Đức ở Việt Nam 2010”, ngày 27/10, tại Viện Goethe Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Việt Nam và Đức”.

Tới dự Hội thảo có TS.Almuth Meyer- Zollisch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội; Ông Rolf Schulze, Đại sứ CHLB Đức; TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; TS.Fritz Holzwarth, Bộ Liên bang Đức về môi trường, tài nguyên và an ninh hạt nhân; và một số cán bộ, chuyên gia về công nghệ nước và môi trường của Việt Nam và Đức.

Tại Hội thảo, Ông Rolf Schulze, Đại sứ CHLB Đức nhấn mạnh: Năm 2010 là năm đặc biệt của của Đức và Việt Nam. Đây cũng là năm Việt Nam kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nước Đức kỷ niệm 20 năm tái thống nhất đất nước; đặc biệt, đây là năm Đức ở Việt Nam – “35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức”. Vấn đề môi trường là vấn đề trung tâm trong quan hệ Việt Nam – Đức. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, tài nguyên nước là lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất do sự thay đổi lượng mưa, xâm nhập mặn,…. Với bề dày kinh nghiệm và những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Đức muốn giúp Việt Nam khắc phục những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra thông qua đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước tại Đức. Chính vì vậy, Hội thảo này thể hiện tinh thần cộng tác của 2 quốc gia, là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình thực hiện công tác Quản lý tổng hợp tài nguyên nước của Đức và Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai cảm ơn các cơ quan Đức đã tổ chức Hội thảo và cho biết, công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam chưa được chú trọng trong thời gian qua. Trên các diễn đàn thế giới, người ta xếp tài nguyên nước quan trọng thứ hai sau tài nguyên con người, tài nguyên nước được coi là “vàng xanh” trong tương lai. Khác với quản lý nước truyền thống là quản lý theo từng nhóm ngành riêng lẻ, quản lý tổng hợp tài nguyên nước đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành và các nhà khoa học. Việt Nam nằm ở cuối nguồn các con sông lớn, 2/3 lượng nước có được của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào. Vì vậy, công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam có nhiều khó khăn và thách thức. Hiện nay, khung pháp lý cho công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Đức là minh chứng cho việc hợp tác, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước Việt Nam. “Thông qua các dự án hợp tác, tôi tin rằng công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam sẽ có nhiều biến chuyển trong tương lai”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hợp tác Việt Nam – Đức là cơ hội để học tập kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước, công nghệ xử lý nước thải nhằm tạo ra môi trường tốt hơn góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội.

Tại Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết biên bản Hợp tác giữa Hội cấp thoát nước Việt Nam và mạng lưới cộng tác vì nước của Đức.

 

(Theo Thanh Tâm – DWRM)