Thêm một lần nữa, những mối lo ngại từ việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong lại được các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra bàn thảo tại một buổi đối thoại vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Bao năm qua, nếu như lũ lụt luôn là nỗi lo đối với người dân ĐBSCL, thì chính nó đã mang lại lượng phù sa màu mỡ, trở thành một phần của hệ sinh thái và là tác nhân chính hình thành diện mạo trù phú cho vùng sông nước Cửu Long. TS Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ – cho biết, các đập thủy điện khi được xây dựng gây nguy cơ thiếu nước và phù sa cho ĐBSCL. Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên nước, làm giảm diện tích và sản lượng nông nghiệp dẫn đến đe dọa an ninh lương thực và làm gia tăng đói nghèo, bất ổn trong vùng.
Trong khi đó, Th.S Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mêkong – đưa ra điển hình: Khi các đập thủy điện được xây dựng thì lợi ích đối với Việt Nam rất nhỏ (chỉ khoảng 5%), nhưng tổn thất lại rất lớn; đặc biệt là đối với vùng ĐBSCL.
“Nông nghiệp và thủy sản là 2 trụ cột kinh tế chính của vùng ĐBSCL. Trong khi đó, nếu các đập thủy điện được xây dựng thì lượng thủy sản tự nhiên sẽ mất hàng trăm ngàn tấn/năm. Chỉ tính riêng cá trắng (di cư theo mùa) mất từ 220.000- 440.00 tấn/năm; ước tính thiệt hại 2.500 USD/tấn, xấp xỉ từ 0,5- 1 tỉ USD/năm. Với con số thiệt hại quy ra tiền ở trên thì ước tổn thất một năm của cá trắng bằng việc xây dựng 3 cây cầu Cần Thơ (342 triệu USD/cây cầu)” – Th.S Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Theo nhiều ý kiến khác tại buổi đối thoại, ĐBSCL đang bị xem là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Với tình hình phát triển thủy điện trên sông Mekong, những tác hại của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn và các tác động của nó vô cùng to lớn đối với vựa lúa lớn nhất nước. Chưa hết, việc thiếu phù sa sẽ làm gia tăng sạt lở bờ sông ở nhiều nơi; trong đó có bờ biển phía Đông. Từ đây, việc thiếu phù sa để bù cho sự lún tự nhiên làm ĐBSCL sẽ chìm xuống nhanh hơn so với những dự báo trước đó.
Trước đây, trong một cuộc hội thảo, một số nhà khoa học cho rằng khi các đập thủy điện được xây dựng, mỗi năm ĐBSCL sẽ bị mất khoảng 19 triệu tấn phù sa đổ về từ thượng nguồn (chỉ còn 7 triệu tấn/năm). Lượng chất dinh dưỡng cũng giảm khoảng 75%, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nghiêm trọng hơn là trong tương lai vùng biển này có thể biến thành “biển sa mạc”.
Mới đây, trong buổi làm việc với BCĐ Tây Nam Bộ, các chuyên gia thuộc Hội Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Cần Thơ đã kiến nghị với BCĐ Tây Nam Bộ tham mưu, đề xuất với Chính phủ giao cho một cơ chế hoạt động chính thức, để từ đó đưa vai trò của BCĐ Tây Nam Bộ trở thành tiếng nói đại diện cho vùng ĐBSCL; đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng như chuyện xây đập thủy điện trên sông Mekong …
(Theo Trần Lưu – Laodong.com.vn)