VACI 2016: Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: từ chính sách đến thực tiễn

 

IMG_5360

Ngày 03 tháng 10 năm 2016, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Almaz đã diễn ra Hội thảo và triển lãm quốc thế lần thứ V, VACI 2016 với chủ đề “Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: từ chính sách đến thực tiễn” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tổ chức. Tham dự Hội thảo và triển lãm quốc tế có ông Chu Phạm Ngọc Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thái Lai – Chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, đại diện các Bộ,Ban, ngành địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.

 

Hội thảo và Triển lãm Quốc tế lần thứ V trong khuôn khổ các hoạt động thường niên của Sáng kiến hợp tác về nước tại Việt Nam – VACI 2016 (Vietnam water Cooperation Initiative) với chủ đề “Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: từ chính sách đến thực tiễn” là một Diễn đàn để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy kết nối mạng lưới các chuyên gia, các nhà quản lý liên quan đến tài nguyên nước; cũng như những người tham gia phát triển giải pháp và đổi mới công nghệ cho quản lý nước xuyên biên giới.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, thách thức liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng ngày nay, hơn bao giờ hết, các vấn đề đó đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu – bối cảnh của sự gia tăng các mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia, các thách thức trong lĩnh vực tài nguyên nước càng ngày càng bộc lộ rõ và mang tính cấp bách. Thế giới hiện địa đang phải đương đầu với những thách thức cần phải giải quyết như: Sự phụ thuộc ngày càng mạnh mẽ vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia; Vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới các nguồn nước; Xu thế cạn kiệt và suy thoái nguồn nước sạch, bao gồm cả các nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và nhanh chóng ở các quốc gia; Sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp giữa các quốc gia và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng khá nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ và minh chứng điển hình: Mùa nước nổi (mùa lũ) ở đồng bằng sông Cửu Long hằng năm mang theo sản vật, sinh kế cho hàng ngàn người dân trong vùng. Những năm trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, người dân miền Tây không còn cơ hội để “sống chung với lũ” hay mưu sinh trong “mùa lũ đẹp” nữa. Đã vào mùa lũ nhưng ở miền Tây vẫn có những cánh đồng khô khốc…

IMG_7789

Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống: nước – năng lượng – lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh…

IMG_8138

Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.

Trong bối cảnh đó, để chủ động ứng phó với các kịch bản xấu về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước đang nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên quốc gia liên vùng và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương, làm cơ sở giải quyết đồng bộ các vấn đề chia sẻ, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia…

IMG_7772

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã nghe các bài tham luận và các ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên nước của Việt Nam và Quốc tế. Đây là một cơ  hội tốt để các chuyên gia Việt Nam được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế.

Hội thảo và Triển lãm Quốc tế lần thứ V, VACI 2016 đã thành công tốt đẹp./.

Sau đây là một số hình ảnh về Hội Thảo:

IMG_7729

IMG_7809

IMG_7892

IMG_7931

IMG_7861

(Thanh Sơn – TTDLQHĐTTNN)