Sáng ngày 21/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Lễ mít tinh. Dự lễ mít tinh còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn; ông Joop Scheffers – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội,…
Ngày Nước thế giới năm 2013 có chủ đề “Hợp tác vì nước” với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác để khai thác, sử dụng hài hòa, bền vững nguồn nước.
Năm nay, ngày Nước thế giới tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy Ban nhân dân tỉnh Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ – trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước cũng như các dịch vụ về nước ngày càng gia tăng như hiện nay, Ngày nước thế giới năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến trong hợp tác vì nước, và thảo luận các vấn đề liên quan đến giáo dục, ngoại giao, quản lý nước xuyên biên giới, hợp tác tài chính, khung chính sách quốc gia và quốc tế và mối liên kết giữa quản lý tài nguyên nước tới các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức chuỗi các sự kiện truyền thông hưởng ứng Ngày nước thế giới, thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hợp tác vì nước sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện điều kiện sống và các cơ hội giáo dục đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, góp phần vào thành công của những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.Hợp tác vì nước tạo ra những lợi ích kinh tế. Hợp tác vì nước nhằm duy trì và cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác vì nước xây dựng hòa bình khu vực và thế giới, giúp các nhóm, các cộng đồng và các nước vượt qua các vấn đề về văn hóa, chính trị, xã hội, và có thể xây dựng niềm tin với nhau.Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nằm ở hạ lưu của 2 con sông quốc tế quan trọng là sông Hồng và sông Mê Công, với 2/3 lượng nước ở Việt Nam được sản sinh từ nước ngoài chảy vào hai con sông này. Việc thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trong việc chia sẻ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn nước xuyên biên giới được xem là nội hàm quan trọng của “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”.Tại lễ mít tinh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi các quốc gia thượng lưu hãy hợp tác và chia sẻ với Việt Nam để các dòng sông liên quốc gia này trở thành dòng sông hòa bình và mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các nước trong lưu vực.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi nhận những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa cấp trung ương và địa phương, giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, giữa các ngành sử dụng nước thông qua sự kiện quan trọng này.Thông qua hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới tại Việt Nam năm 2013, Thủ tướng mong rằng mỗi cá nhân, đoàn thể, tổ chức, mỗi ngành, mỗi địa phương trên cả nước hãy phát huy các sáng kiến trong khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, cùng nhau hợp tác để giảm thiểu các rủi ro do hạn hán và lũ lụt, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống xâm nhập mặn và nước biến dâng. Nếu chúng ta làm được điều đó, nghĩa là chúng ta đang góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của quốc gia và hơn nữa là thúc đẩy hòa bình thế giới.
(Theo Monre.gov.vn)