Sau khi nghe Thủ tướng Thoongsing Thammavong thông báo về việc Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn thông báo hết sức quan trọng và đầy nghĩa tình của Đảng và Chính phủ Lào anh em; cho rằng điều này thể hiện sự hợp tác và quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ Lào đối với đề nghị của Việt Nam.
Với tình cảm đặc biệt và vì sự phát triển chung của hai nước, hai vị lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong và có thể cùng mời các nhà khoa học quốc tế có uy tín, kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu để có đủ các cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng Lào phối hợp với các nước ven sông Mekong, kể cả các nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar trong việc khai thác, sử dụng bền vững con sông này vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.
Về việc Lào có kế hoạch xây dựng đập Xayaburi, mới đây, cụ thể là chiều 25-4-2011, ông Phạm Khôi Nguyên – bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường, chủ tịch Ủy ban sông Mekong VN, đồng thời là chủ tịch Ủy hội sông Mekong nhiệm kỳ hiện tại – cho biết Việt Nam đã chính thức đề nghị nước bạn Lào trì hoãn việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi trong 10 năm tới nhằm nghiên cứu và đánh giá đầy đủ tác động có thể xảy ra do xây đập thủy điện này. Ông Nguyên cho hay qua hai hội nghị tham vấn, các chuyên gia và cơ quan quản lý của VN đều bày tỏ sự quan ngại về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Toàn bộ tài liệu và hồ sơ về việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi được phía Lào chuyển qua cho VN nghiên cứu vẫn chưa đầy đủ và còn thiếu các số liệu đánh giá thực tế. Đặc biệt là tác động của việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi đối với hạ lưu và khu vực ĐBSCL cũng chưa được nghiên cứu đánh giá toàn diện. “Ngoài đập thủy điện đầu tiên này vẫn còn 11 công trình thủy điện khác đang dự định xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Nếu tất cả đều được xây và không đánh giá hết các tác động, việc ảnh hưởng tới khu vực ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, chúng tôi rất quan ngại với việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong” – ông Nguyên nói. Theo ông Nguyên, đánh giá sơ bộ tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ làm dòng chảy, lượng nước và lượng phù sa tại khu vực ĐBSCL mất rất nhiều. Số liệu ước tính về lượng phù sa sẽ giảm từ 26 triệu tấn/năm còn khoảng 7 triệu tấn/năm; ngoài ra còn làm giảm số lượng các loài cá, ảnh hưởng đến các loài thủy sản và sự đa dạng sinh học của khu vực này.
|