Thách thức và cơ hội trong hợp tác quản lý tổng hợp nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long

vv186Nhằm thúc đẩy các bên liên quan chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác hỗ trợ nghiên cứu về quản lý an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 4/12, tại Hà Nội, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thách thức và cơ hội trong hợp tác quản lý tổng hợp nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham dự của các Tổ chức tài trợ quốc tế như Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AuSAID); các tổ chức phi chính phủ JICA, GIZ…và đại diện Ủy hội sông Mê Công quốc tế, một số Bộ, ngành Trung ương. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, hội thảo này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng của đất nước với sản lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu với sự gia tăng mức độ cực đoan của các hiện tượng của thời tiết và xâm nhập mặn khiến cho vùng châu thổ này gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh lương thực. Nguồn nước sông Mê Công là mạch máu quan trọng đảm bảo cuộc sống cho hơn 60 triệu cư dân trong lưu vực. Việc xây dựng những con đập thủy điện sẽ gây ra tác động mạnh mẽ đến chế độ dòng chảy, phù sa, giao thông thủy,….

Theo báo cáo Tổng quan của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Hiện trên thượng nguồn sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã xây dựng 14 đập thủy điện, trong đó 4 đập đã hoàn thành. Có 11 đập thủy điện khác dự kiến xây dựng trên dòng chính ở hạ lưu vực sông này gồm Lào, Thái Lan và Campuchia, dựa trên Quy hoạch chỉ đạo lưu vực năm 1994, Quy hoạch này chưa được Ủy ban Mê Công Lâm thời phê chuẩn. Do đó tháng 12/2011, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã ra Nghị quyết tiến hành “một nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công”.  

Chính vì vậy, các kết quả nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ là cơ sở, căn cứ khoa học để các quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia cân nhắc việc xây dựng các công trình thủy lợi trên dòng chính sông Mê Công. Bao gồm việc điều chỉnh quy hoạch, quy mô và thiết kế của từng công trình và toàn bộ bậc thang (nếu cần thiết), đảm bảo không gây các tác động bất lợi đáng kể xuống vùng hạ du; làm cơ sở cho các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế hợp tác, phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công. 

Một số kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo cũng cho thấy, sông Mê Công là dòng sông quan trọng toàn cầu, có tác động lớn đến chế độ dòng chảy và đây cũng là dòng chảy hiếm hoi vẫn đảm bảo được các điều kiện tự nhiên của dòng sông. Tuy nhiên, dòng sông Mê Công có 6 quốc gia sở hữu này cũng đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ lợi ích khai thác dòng sông. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng quyết định xây dựng các con đập thủy điện trên dòng chính cần phải trì hoãn thêm 10 năm nữa, đồng thời, các quốc gia cần tìm ra các nguồn phát điện khác thay vì việc xây dựng các con đập thủy điện trên dòng sông. Các dự án phát triển trên dòng chính cần có sự tham vấn của các nước trong khu vực nhằm đạt được sự hài hòa cho nhu cầu phát triển.

 vv187

Tại Hội thảo, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng như các tổ chức tài trợ, các nhà quản lý và các nhà khoa học đã thống nhất Đề cương Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Thời gian thực hiện Nghiên cứu này trong 30 tháng, kinh phí từ nguồn Chính phủ Việt Nam và của các Tổ chức quốc tế tài trợ, do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì. Trong đó mục tiêu cụ thể là xây dựng thông tin, dữ liệu tương đối đầy đủ về khí tượng thủy văn, phù sa, sinh thái, giao thông thủy và điều kiện môi trường, tự nhiên, kinh tế-xã hội của lưu vực sông, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. 

Đồng thời đánh giá định lượng tác động của các công trình thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng ở hạ lưu vực sông Mê Công tới vùng hạ du, bao gồm chế độ dòng chảy, vận chuyển phù sa và dinh dưỡng, đa dạng sinh học, chất lượng nước, khai thác thủy sản, hoạt động giao thông thủy và những vấn đề liên quan khác. Qua đó, nhằm đạt được sự nhất trí về kết quả đánh giá định lượng tác động của các công trình thủy điện dòng chính, đề ra các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động.

(Theo DWRM)