Đó là một trong những mục tiêu mà Dự án“Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam” (CAPAS) được phối hợp thực hiện bởi Bộ TN&MT và Cơ quan phát triển Bỉ (BTC) hướng tới. Ngày 16/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đã chủ trì cuộc họp lần thứ 5.
Dự án CAPAS được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2008 – 2012 tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Ninh Thuận, Bình Định và Phú Yên.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ Ban Chỉ đạo Trung ương và 7 tỉnh đã triển khai tốt các hạng mục của dự án. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số công việc còn triển khai chậm, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, cái được nhất ở Dự án này là sau khi kết thúc Dự án, chúng ta có một bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước tại 7 tỉnh thuộc Dự án. Ngoài ra, Dự án còn đem lại sản phẩm hướng dẫn xác định vùng bảo hộ vệ sinh đối với vùng cấp nước sinh hoạt. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi lẽ từ khi Luật Tài nguyên nước 1998 ra đời đến nay, công việc này vẫn chưa được triển khai trên thực tế. “Sau Dự án này, Bộ TN&MT có cơ sở hướng dẫn các địa phương. Đây là một thành công lớn của Dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, một sản phẩm khác của Dự án cũng hết sức quan trọng là hướng dẫn sử dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức cho các Sở TN&MT trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo, sau Dự án này cần phải xác định được cách viết một báo cáo tài nguyên nước gồm những nội dung gì? Để làm được điều đó, cần phải xác định các loại báo cáo tài nguyên nước khác nhau. Cụ thể là, báo cáo của các Sở đối với UBND tỉnh, các Sở báo cáo Bộ TN&MT, các Sở TN&MT biết thông tin nào và báo cáo của Bộ TN&MT lên Chính phủ. Với cách báo cáo ấy sẽ giúp nhà quản lý nắm bắt thông tin dễ dàng và đưa ra quyết định chính xác đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, điều hành.
Cố vấn trưởng Dự án CAPAS, ông Martin Junker cho biết, tới đây, Ban Chỉ đạo dự án Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án tại các tỉnh. Theo Cố vấn trưởng, Dự án xây dựng một kế hoạch hành động bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là bảo vệ nước dưới đất. Từ đó, đề xuất địa điểm, vị trí khoan giếng mới và song song với đó sẽ có cán bộ giám sát việc khoan giếng nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên nước dưới đất.
Dự án cũng đã đặt ra nhiều mô hình hay, đem lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng như mô hình “Câu lạc bộ Dòng sông quê em”, “Đoạn sông tự quản”, “Hương ước bảo vệ tài nguyên nước”, “Điểm thông tin cơ sở về tài nguyên nước”,…
(Theo Monre.gov.vn)