Lào: ‘Đập thủy điện là cần thiết với chúng tôi’

Cơ quan điện lực Lào cho rằng dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, vốn đang gây tranh cãi trong khu vực, không gây nhiều tác động với môi trường và lại rất cần thiết cho sự phát triển của Lào.

Hôm nay Lào gặp gỡ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong khác gồm Thái Lan, Campuchia, Việt Nam với hy vọng mong muốn các nước phê duyệt dự án thủy điện Xayaburi. Lào cũng hy vọng giảm bớt mối lo ngại của các nước láng giềng đối với con đập này, xét về nguy cơ gây giảm sản lượng cá và nước.

Xayaburi là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2.000 km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan.

tt591

Vị trí Lào dự định xây đập Xayaburi. Ảnh: internationalriver.org.

Ông Daovong Phonekeo, Phó giám đốc Cơ quan điện lực Lào, cho biết Chính phủ sẽ xem xét những mối lo ngại của các nước ven sông Mekong và cố gắng thuyết phục họ thấy được lợi ích từ việc xây đập Xayaburi.

“Dự án này là cần thiết với một đất nước còn kém phát triển như Lào, chúng tôi không có nguồn thu khác để tăng doanh thu”, Bloomberg dẫn lời ông Daovong Phonekeo.

Lào không chỉ có kế hoạch bán điện cho Thái Lan, mà còn bán cho cả Việt Nam. Ông Daovong nói rằng, Việt Nam thường xuyên đối mặt với thiếu điện hàng năm. Dự án của Lào được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng tăng liên tục trong khu vực.

“Chúng tôi đang cố gắng để mang lại lợi ích không chỉ cho đất nước mình, mà còn phát triển một nguồn điện giá rẻ cho các nước láng giềng”, ông Daovong phát biểu. “Mỗi quốc gia ven sông có quyền sử dụng sông Mekong để phát triển riêng cho mình”.

Chính phủ Lào cho rằng dự án 3,5 tỷ USD Xayaburi là một mô hình tạo năng lượng sách, xanh và sẽ giúp ích cho nền kinh tế 6 tỷ USD, giúp cải thiện cuộc sống của gần 6 triệu dân trong đó có một phần tư đang sống ở mức nghèo khổ, thậm chí không có điện, theo Reuters.

Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á ngày 7/4 cho biết, nền kinh tế nhỏ của khu vực Đông Nam Á sử dụng thủy điện và các dự án khai thác mỏ để duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước, với mức tăng GDP có thể lên đến 7,7% trong năm nay.

Trong tháng hai vừa qua, trên Bangkok Post, phía Lào cũng khẳng định dự án trên không có tác động đến môi trường và họ có đủ thẩm quyền để phê duyệt xây dựng vì đập này đặt tại lãnh thổ của Lào. Nhưng, ý kiến từ các nước ở hạ lưu sông Mekong và đánh giá tác động môi trường của Ủy hội sông Mekong cho thấy, việc xây đựng đập Xayaburi sẽ là bước mở đường cho việc xây dựng các đập khác trên dòng chính, đe doạ xấu tới nguồn thủy sản, và sản xuất lúa ở vùng hạ lưu sông Mekong.

Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, 11 dự án đập thủy điện trên sông này có thể biến 55% chiều dài con sông thành hồ chứa, dẫn đến sụt giảm 500 triệu USD giá trị nông sản mỗi năm, cắt giảm 30% lượng protein của người Lào và người Thái.

 

 

(Theo Vnexpress.net)