Để có thể đáp ứng những yêu cầu mới nổi trong việc phải làm thế nào đánh giá được tính bền vững của một dự án thủy điện hay một bậc thang thủy điện, trong kế hoạch năm 2011 Sáng kiến thủy điện bền vững của Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức hội thảo giới thiệu công cụ đánh giá nhanh tính bền vững của thủy điện (RSAT).
Công cụ được xây dựng với sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) và Quỹ bảo vệ Thiên nhiên quốc tế (WWF) đã được giới thiệu tại các quốc gia thành viên nhằm mục tiêu hỗ trợ trong việc tiếp cận và sử dụng công cụ này. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo quốc gia về RSAT cho các cơ quan liên quan và địa phương, địa điểm tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vào ngày 26 tháng 4 năm 2011.
RSAT được đưa ra nhằm đánh giá tính bền vững liên quan tới phát triển thủy điện ở tất cả các giai đoạn dự án từ lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng tới vận hành. Với những mục tiêu ban đầu: (1) để cung cấp một công cụ đối thoại và hợp tác giữa các bên ở cấp lưu vực; (2) nhằm làm nổi bật và ưu tiên những cơ hội và rủi ro của thủy điện bền vững; và (3) nhằm xác định nhu cầu tăng cường năng lực, công cụ bao gồm 11 chủ đề và lên tới 53 chỉ tiêu cho phép người sử dụng đánh giá tính bền vững của một dự án thủy điện bằng cách cho điểm chỉ trong vòng 4 đến 5 ngày.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những quy tắc, quan điểm liên quan của các nhà phát triển thủy điện, yêu cầu về năng lực và áp dụng cho cấp tiểu lưu vực tại Việt Nam. “Đây là công cụ mang tính định tính, cùng một số liệu đầu vào công cụ này có thể đưa ra các kết quả khác nhau do tính chủ quan của người sử dụng. Do đó người dùng phải hết sức lưu ý, linh hoạt, thấu hiểu cũng như phải có kinh nghiệm” Tiến sỹ Lê Đức Trung – Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhấn mạnh.