Có vẻ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tròn một năm, dòng Mekong lại trở nên nóng bỏng. Tháng 4 năm trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Ủy hội Mekong, chuyện Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn trở thành tâm điểm. Và tháng 4 năm nay, việc nước Lào ở hạ nguồn xây đập cũng là vấn đề bàn cãi.
Tranh cãi về việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong càng làm phức tạp vấn đề năng lượng mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt, đặc biệt sau khi những hy vọng về khả năng gia tăng điện hạt nhân sụp đổ bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.
Hôm 19/4, tại cuộc họp với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam ở Vientiane, Lào đã hoãn lại quyết định triển khai dự án trị giá 3,5 tỉ USD xây con đập 1.260 megawatt có tên Xayaburi trên dòng Mekong.
Lào – một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới – hy vọng sử dụng nguồn thu từ Xayaburi và các con đập khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trong khi Thái Lan được cho là khách hàng mua điện chủ yếu.
“Thất bại kinh tế điển hình”
Các nhà hoạt động môi trường và một số quan chức chính phủ lo lắng rằng, con đập Xayaburi sẽ làm tổn hại tới các bãi cá ở hạ nguồn sông Mekong, ảnh hưởng tới an ninh lương thực châu Á và buộc người dân từ bỏ những cộng đồng ven sông. Con đập cũng có thể tạo dựng một tiền lệ với việc phát triển Mekong trong tương lai hay thúc đẩy quá trình xây dựng 10 hay nhiều hơn nữa đập thủy điện đã được đề xuất trong vài năm gần đây trên dòng chính Mekong, chủ yếu tại Lào và Campuchia.
Nghiên cứu do Ủy hội Mekong – do bốn nước Đông Nam Á thành lập năm 1995 để góp phần quản lý sông – đưa ra cuối năm ngoái cho biết, nếu các đập thủy điện được xây dựng, chúng sẽ “về cơ bản làm suy yếu sự phong phú, năng suất và sự đa dạng của tài nguyên cá Mekong”, ảnh hưởng tới hàng triệu người, gây nguy hiểm cho hoạt động nông nghiệp, đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm và làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo. Ủy hội cũng khuyến cáo ngừng xây dựng đập thủy điện trong vòng 10 năm để nghiên cứu kỹ càng hơn.
Một phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan xác nhận Bộ Năng lượng nước này rất quan tâm tới việc mua điện từ Xayaburi nhưng nói rằng, các quan chức muốn nhiều thông tin hơn về các ảnh hưởng môi trường từ dự án này.
Giới phân tích cho rằng, ở Thái Lan, việc khai thác tiềm năng thủy điện của Lào sẽ cho phép các quan chức tránh được những tranh cãi nhiều hơn ở trong nước. Khi quốc gia của 65 triệu dân trở nên giàu có hơn, người dân cũng quan tâm tới môi trường nhiều hơn và người dân phản đối mạnh mẽ các nhà máy nhiệt điện, thủy điện trong nước vì lo lắng chúng sẽ gây ô nhiễm môi trường hay đảo lộn hệ sinh thái.
Tháng 6 năm ngoái, Công ty Điện lực Thái Lan EGAT đã ký thỏa thuận ban đầu với nhà phát triển chính của đập – công ty Xây dựng Thái Lan Ch Karnchang – để mua hơn 95% lượng điện từ dự án. Các nhà đầu tư cho dự án thủy điện này gồm 4 ngân hàng.
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) từng khuyến cáo, các nhà đầu tư vào Xayaburi cũng như các dự án thủy điện khác trên dòng Mekong, cần xem xét những bài học từ đập Thủy điện sông Mun của Thái Lan. Dự án này được xây dựng từ đầu những năm 1990 và bị xem là một “thất bại kinh tế điển hình” khi gây ra những tổn thất môi trường và xã hội to lớn. Ở mức 233 triệu USD, đập sông Mun có chi phí gấp đôi dự tính ban đầu, nhưng sản lượng năng lượng giảm xuống 1/3 so với dự kiến trong mùa khô, đầu tư giảm từ 12% dự kiến xuống còn 5%; hơn 20.000 người bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhanh chóng sản lượng cá và những thay đổi khác với sinh kế của họ.
“Bài học đập sông Mun của Thái Lan quá rõ ràng: Vội vã nghiên cứu tác động môi trường và xã hội sẽ dẫn tới kết quả cay đắng cho cả ngư dân cũng như các chủ đập”, Suphasuk Pradubsuk điều phối viên chính sách quốc gia thuộc WWF – Thái Lan, nói. Theo ông, Mekong là một “hệ sinh thái độc đáo và rất phức tạp”, nắm giữ sản lượng cá nội địa lớn nhất thế giới, chỉ đứng thứ hai sau Amazon về số lượng các loài cá.
Đường đi cho cá?
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết, hơn 200.000 ngư dân và nông dân – phần lớn ở cộng đồng hạ nguồn – sẽ phải di dời và giảm thu nhập vì dự án Xayaburi.
Theo nhiều nhà phê bình Thái Lan, những kế hoạch năng lượng hiện tại của nước này chủ yếu phục vụ lợi ích của các công ty điện lực nhà nước, công ty năng lượng và ngành công nghiệp xây dựng hơn là nhu cầu của người tiêu dùng điện.
Ngay cả khi đập Xayaburi đặt ra những tổn thất lâu dài với sông Mekong, và có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dân, thì người ta lại chưa hề chắc chắn về việc nó sẽ tác động thế nào tới giá điện và lợi ích của người tiêu dùng điện trong tương lai tại Thái Lan.
Về phần mình, Chính phủ Lào vẫn khẳng định rằng, Xayaburi sẽ không có bất cứ tác động đáng kể nào tới dòng chính Mekong, đồng thời thúc giục các nước láng giềng không nên cản trở việc xây dựng con đập.
Trong báo cáo gửi tới các nước thành viên khác trong Ủy hội Mekong, chính phủ Lào nhấn mạnh, Xayaburi “dựa trên một công nghệ thiết kế hiện đại để sản xuất năng lượng tái tạo và sạch nhất mà không gây ô nhiễm môi trường … và tác động tối thiểu tới môi trường khu vực phụ cận”.
Các nhà sinh thái học cảnh báo đập Xayaburi sẽ ngăn chặn những luồng di cư của nhiều loài cá, đặt 41 loài vào nguy cơ tuyệt chủng kể cả cá da trơn khổng lồ.
Nhà xây dựng đập cam kết sẽ tạo “đường đi cho cá”, cho phép các tiếp tục luồng di cư của mình. Nhưng chuyên gia Trandem của Tổ chức Sông ngòi quốc tế khẳng định, hiện tại chưa có công nghệ nào có thể đảm bảo “lối đi” an toàn cho vô số loài cá của Mekong.
Mối quan tâm phát triển Mekong và các nhánh sông của nó như một nguồn sản sinh năng lượng đã được đẩy mạnh trong vài năm gần đây. Trung Quốc đã có thêm ba đập ở vùng thượng nguồn Mekong bên ngoài Đông Nam Á, bất chấp sự phản đối của các nước hạ nguồn. Lào và Myanmar cũng đề xuất hàng loạt dự án đập thủy điện trên các con sông của họ, bao gồm cả các chi lưu của Mekong.
Làm thế nào để phát triển hài hòa dòng Mekong?
Có lẽ, trong một kỷ nguyên gia tăng nhu cầu năng lượng cùng những nỗ lực giảm bớt biến đổi môi trường – khí hậu đang diễn ra tích cực thì sự hợp tác quốc tế để cùng bảo vệ và chia sẻ tài nguyên sông Mẹ sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả.
(Thái An- VNN)