Cách đây hai năm, dòng sông Mêkông đã từng bị “bức tử” bởi đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc. Và hôm nay, dòng sông ấy phải tiếp tục gồng mình hứng chịu tác hại nếu dự án thủy điện Xayaburi, Lào triển khai.
Dư luận đang xôn xao trước thông tin Lào có kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng sông chính Mekong. Dự kiến đập này có chiều dài 820m, chiều cao 32,6mét, và có diện tích hồ chứa 49km2. Đập Xayaburi cũng là một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mekong, đang trong giai đoạn tham vấn các nước liên quan là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Được biết tác hại của việc xây đập Xayaburi là khôn lường và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã có cuộc họp khẩn ngày hôm qua (22/2) giữa giới lãnh đạo và các chuyên gia thủy điện, môi trường bàn về dự án này.
14 triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các dự án thủy điện dự kiến xây dựng ở hạ du sông Mekong là cảnh báo của Ủy ban sông Mê Kông đưa ra. Do đó, Lào nên trì hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết sẽ kiến nghị với chính phủ là đề nghị Lào tiếp tục cung cấp thông tin về dự án đập Xayabury.
Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia về thủy lợi cho hay, việc xây đập sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam và trực tiếp đến người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi nguyên tắc các hồ có dung tích lớn, càng gần Việt Nam như Sambor và Stung Treng (Campuchia) thì tác động càng nhiều đến môi trường sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, kể cả đa dạng sinh học. Và khi xây dựng 12 bậc thang sẽ phải phá rừng nhiều, lắng đọng phù sa trong lòng hồ, tác động đến thủy sản, thay đổi chế độ dòng chảy gây xói lở hạ lưu…
Không chỉ Việt Nam, người bạn láng giềng Campuchia cũng phải gánh vác tác hại của đập này, họ sống dựa vào nghề đánh cá nước ngọt, các con đập cản sự di cư của cá sẽ là thảm họa cả về an ninh lương thực lẫn dinh dưỡng- Nhà báo Tom Fawthrop chuyên viết về các vấn đề môi trường khu vực Đông Nam Á cho các hãng thông tấn lớn cũng đưa ra những e ngại như vậy.
Còn nhớ năm 2009, việc Trung Quốc xây đập Tiểu Loan cũng gây nhiều tranh cãi vì mối đe dọa lớn đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ nhiệm chương trình Kinh tế chính trị châu Á tại Trung tâm Henry L. Stimson, Mỹ năm 2007 đã có một nghiên cứu rằng hoạt động của các con đập này sẽ làm giảm mức độ khắc nghiệt của mùa lũ và hạn ở vùng Hồ Lớn vốn có tầm quan trọng to lớn đối với vai trò kép của vùng này là nguồn ấp cá khổng lồ cho ngư dân của Mekong và là hệ thống điều tiết chiều dài cũng như độ khắc nghiệt của lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của Việt Nam.
Lúc đó, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ) đã phải “giật mình” trước đây những con đập có chiều cao 15m là đã khá lớn rồi, bây giờ con đập này cao tới 292m là không thể tưởng tượng nổi, chỉ thấp hơn đỉnh tháp Eiffel ở Paris (Pháp) vài centimet.
Thân phận của dòng sông Mêkông những năm gần đây luôn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Đã có hẳn một hội nghị quốc tế sông Mêkông được triệu tập vào ngày 2,3 tháng 4 năm 2010 và tiếp đến là Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mêkông Việt Nam ngày 28/4 tại thành phố Hồ Chí Minh về một chiến lược chung cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi dòng sông Mêkong là “bầu sữa mẹ” cho các nước khu vực Đông Nam Á. Sông Mekong cung cấp ngành công nghiệp cá nội địa lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban sông Mekong, xấp xỉ 2,6 triệu tấn cá hoang dã và những nguồn tài nguyên thủy sinh khác được thu hoạch mỗi năm, đạt giá trị ít nhất 2 tỉ USD. Nghề cá không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân địa phương mà còn có ý nghĩa sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực khu vực.
Ngoài những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghề cá và an ninh lương thực khu vực, còn có rất nhiều tác động khác được báo trước nếu hệ thống đập thuỷ điện tiếp tục xây dựng trên sông.
Nhịp điệu bất tận của chu kỳ nước lớn, nước sông Mekong nghìn đời nay đã nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho mọi người dân trong khu vực. Con sông đem lại những nền tảng của cuộc sống cho cả người dân nông thôn hay thành thị, nó nuôi dưỡng những giá trị văn hoá, chuẩn mực truyền thống, truyền cảm hứng vào âm nhạc, điệu múa, ca khúc, ẩm thực, nghề thủ công và đời sống tâm linh, tạo nên bức tranh đời sống đa sắc màu của cả một vùng.
Vẫn thấy những lợi ích lớn lao mà dòng sông Mekong đem lại, và vẫn biết những thảng thốt lo lắng, sợ hãi của các chuyên gia khi xây đập lớn là đúng nhưng dường như tất cả đều “lặng thinh” và đập Tiểu Loan cuối cùng vẫn vận hành và hoàn thành vào tháng 8 năm ngoái.
Cơn mê đập Tiểu Loan chưa dứt thì những ngày đầu năm nay, lại tiếp một cơn mê dự án thuỷ điện Xayaburi ập đến với người dân khu vực Đông Nam Á. Đã đến lúc cần thấy rõ vai trò và quyền hạn của Ủy hội sông Mêkông trong dự án thủy điện này bởi đây không còn là lợi ích của riêng Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, mà là lợi ích sống còn chung của cả khu vực Đông Nam Á.
(Theo Lan Anh – tuanvietnam.vietnamnet.vn)