Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Bỉ đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam

tt733Ngày 23/6/2011, phái đoàn cấp cao của Bộ – Tổng Vụ hợp tác phát triển Bỉ đã có chuyến công tác tại Việt Nam. Nhân dịp này, phái đoàn đã đến thăm các công trình quan trắc nước dưới đất tỉnh Hà Nam thuộc dự án “Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam và tham dự Lễ mít tinh ra quân Mô hình “Đoạn sông tự quản” năm 2011 tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Dưới đây là các ý kiến ghi nhận qua chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Bỉ đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam

Phát biểu của đại diện Ban quản lý Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam tại tỉnh Hà Nam”:

Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam” do Vương Quốc Bỉ tài trợ, Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện tại tỉnh Hà Nam, trong 2 năm qua đã đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước thuộc hệ thống cán bộ quản lý, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc… Trong các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án có mô hình “Đoạn sông tự quản” đã thực hiện thí điểm năm 2010 tại xã Kim Bình – huyện Kim Bảng – tỉnh Hà Nam là hoạt động có hiệu quả rất tốt và rõ nét.
Từ kết quả trên, năm 2011, Ban quản lý dự án thuộc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam tiếp tục phối hợp cùng Huyện đoàn Lý Nhân nhân rộng mô hình “Đoạn Sông tự quản” tại thị trấn Vĩnh Trụ huyện Lý Nhân – tỉnh Hà Nam. Mô hình “Đoạn sông tự quản” do Huyện đoàn Lý Nhân thực hiện sẽ tạo đà thúc đẩy thực hiện tốt mục tiêu này và nhân rộng hoạt động “Đoạn Sông tự quản” trên 20 xã toàn huyện.

Phát biểu của Đại diện Lãnh đạo huyện Lý Nhân:

Lý Nhân là một huyện nằm trên lưu vực sông Hồng và sông Châu Giang, chủ yếu là thuần nông. Do đó, nguồn tài nguyên nước mặt và nước dưới đất là yếu tố vô cùng quan trọng đối với đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Tuy nhiên, hiện nay nước dưới đất đang bị nhiễm Asen nặng, nguồn nước mặt cũng nằm trong tình trạng ô nhiễm và đe dọa nguy cơ nguồn nước sẽ bị ô nhiễm trên diện rộng. Chính vì vậy, mục tiêu bảo vệ và làm sạch nguồn nước được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu trong nhiệm vụ chính trị to lớn của huyện.

Mô hình “Đoạn sông tự quản” thuộc Dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam tại tỉnh Hà Nam do Vương quốc Bỉ tài trợ là hoạt động mang tính cộng đồng sâu sắc nhằm bảo vệ tài nguyên nước  hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở góp phần thúc đẩy, duy trì thực hiện mục tiêu bảo vệ nguồn nước trên địa bàn huyện Lý Nhân. Huyện Đoàn Lý Nhân có trách nhiệm chỉ đạo Đoàn thị trấn Vĩnh Trụ và Đoàn các xã có liên quan thành lập Ban Chỉ đạo với lực lượng ít nhất là 03 Đội Thanh niên tự quản trực thuộc sự điều hành của Huyện Đoàn thực hiện mô hình này. Đây sẽ là mô hình điểm, qua quá trình hoạt động sẽ đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và nhanh chóng nhân rộng trên địa bàn huyện.

5 CAM KẾT BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA TUỔI TRẺ HUYỆN LÝ NHÂN, TỈNH HÀ NAM:

Một là:  Làm tốt công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách tài nguyên nước của Nhà nước cho cộng đồng trên địa bàn; hăng hái đi đầu trong giữ gìn và bảo vệ các nguồn nước nói chung và Bảo vệ môi trường các dòng sông nói riêng.

Hai là: Vận động các hộ gia đình, các tổ chức cam kết bảo vệ môi trường nước nhất là bảo vệ các dòng sông tránh được các tác nhân gây ô nhiễm nước.

Ba là: Thường xuyên tổ chức các hoạt động làm sạch nguồn nước; xây dựng và duy trì tốt các Đội thanh niên xung kích tham gia bảo vệ dòng sông quê hương.

Bốn là: Tích cực nắm bắt, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước để có các biện pháp kịp thời làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Năm là: Phát động các cuộc thi tìm hiểu về tài nguyên nước và bảo vệ dòng sông quê hương bằng nhiều hình thức phong phú như: sáng tác thơ, ca, hò, vè, diễn tấu, tiểu phẩm nói về nước và bảo vệ nguồn nước./.

Phát biểu của đại diện Đại sứ quán Vương quốc Bỉ:

Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy dự án đang tiến triển theo đúng định hướng đề ra ban đầu. Sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ, sát sao của các cơ quan ban ngành ở cấp trung ương, quyết tâm cao và sự tham gia tích cực của của các cơ quan ban ngành địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng dân cư, và đặc biệt là các đoàn viên thanh niên – tương lai của đất nước – là những yếu tố quyết định đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra của dự án. Chúng tôi cũng rất vui và phấn khởi được tham gia lễ phát động một trong những mô hình của dự án về nâng cao nhận thức cộng đồng ngày hôm nay. Chúng tôi tin rằng các mô hình dựa vào cộng đồng như thế này sẽ thu hút được sự quan tâm của xã hội cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực cùng các hành động thiết thực của các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội, cộng đồng và cá nhân ở địa phương cùng nỗ lực ứng phó với các thách thức của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển kinh tế – xã hội và biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin rằng, đây là mô hình có sức lan tỏa trong cộng đồng, từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và cách ứng xử của cộng đồng đối với tài nguyên nước; đồng thời giúp vận động chính sách cũng như thu hút tài trợ của khối nhà nước và tư nhân đối với lĩnh vực có ý nghĩa hết sức quan trọng này của ngành nước.

Nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi có những các cam kết mạnh mẽ và hoạt động cụ thể hơn nữa ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã và cơ sở trong việc giải quyết các thách thức về tài nguyên nước. Việc bảo tồn các nguồn nước một cách bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai cần là những nội dung hàng đầu trong không chỉ trong các Chương trình nghị sự về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ mà còn trong kế hoạch hành động của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chúng ta hãy cùng nhau kêu gọi các cơ quan ban ngành, cộng đồng, chủ thể và bên liên quan cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong hoạch định cũng như triển khai các hành động và biện pháp hữu hiệu để ứng phó với các thách thức ngày càng gia tăng về tài nguyên nước.

Chúng ta hãy cùng nỗ lực để hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước một cách bền vững và công bằng trong đó các nguồn nước và hệ sinh thái lành mạnh được bảo tồn và tất cả mọi người đều được tiếp cận và cung cấp đầy đủ nước sạch./.


(Theo dwrm)