Theo báo cáo, phần lớn sự tăng trưởng kinh tế dựa trên sự khai thác mạnh mẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lậu gỗ, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt, và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác nhiều hơn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa đang kết hợp với nhau dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đô thị và gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Báo cáo đã đưa ra những khuyến cáo nhằm củng cố đà cải cách. WB cho rằng VN cần phải theo dõi quá trình cải cách để giám sát việc thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau, mà đôi khi đó lại là các mục tiêu cạnh tranh với nhau. Ngoài ra, còn phải giải quyết những khoảng cách lớn giữa lý thuyết với thực tế, cần có đủ nguồn lực để thực hiện thành công các chính sách hợp lý.
WB cho rằng, để giải quyết bài toán giữa việc tăng trưởng kinh tế và giữ gìn tài nguyên thiện nhiên, VN cần tập trung vào phối hợp quản lý hành chính tốt hơn và tăng cường việc thu nhập, phân tích dữ liệu và công bố thông tin để hỗ trợ sự vận hành của các thị trường, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của quá trình ra quyết định công. Việc này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả kinh tế, sự bền vững môi trường và công bằng xã hội. Các ưu tiên trong ngắn hạn cần thực hiện là tăng cường tính công khai, minh bạch trong các thị trường đất đai; cải tiến việc thu thập dữ liệu về nước nhằm thúc đẩy quản lý lưu vực hợp lý trong bối cảnh cạnh tranh sử dụng nước ngày càng tăng; thực thi các tiêu chuẩn dữ liệu nghiêm ngặt trong ngành lâm nghiệp để tạo điều kiện huy động các nguồn vốn quốc tế nhằm hỗ trợ hấp thu cac-bon, lâm nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cấp cơ sở dữ liệu nhằm xác định hiện trạng nghề cá và các mức đánh bắt hợp lý; công bố kết quả đánh giá tác động môi trường từ việc khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, WB cho rằng, VN cần làm rõ và đảm bảo các quyền đối với tài sản trong thời hạn lâu hơn và tăng cường sử dụng các mức giá thị trường để tạo khuyến khích đầu tư, tăng cường các giải pháp có tính phân cấp. Đây là những đổi mới căn bản để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đó, VN cần ưu tiên đổi mới để đạt hiệu quả trong ngắn hạn trong 1 số lĩnh vực như: hiện đại hóa quản lý địa chính nhằm giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả tưới, tăng năng suất rừng trồng, cải cách cơ chế trợ cấp cho ngành đánh bắt cá để không khuyến khích khai thác quá mức các tài nguyên biển và tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Ngoài ra, VN cũng cần cải thiện việc thực thi môi trường để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; mở rộng các cơ chế đồng quản lý trong lâm nghiệp và quản lý tài nguyên biển và cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường, đồng thời kết hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình quy hoạch công. Các cơ chế chia sẻ lợi ích cộng đồng, đền bù tài sản bị tổn thất theo giá trị thị trường, tăng cường điều kiện tiếp cận thông tin, minh bạch trong quản trị và sự tham gia của công chúng cũng cần được tính tới. Đây là những đổi mới căn bản để đảm bảo sự công bằng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên của VN.