Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Hài hòa các mục tiêu giảm nghèo và Môi trường hướng tới phát triển bền vững”, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID) tài trợ cho Việt Nam từ năm 2005, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho việc hoạch định các chính sách chiến lược quốc gia, hướng tới phát triển bền vững.
Những kết quả nghiên cứu lồng ghép của Dự án này hướng tới mục tiêu xóa đói nghèo nhưng vẫn phát triển bền vững, nhất là việc phát hiện ra những bất cập trong cơ chế phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước giữa các đối tượng sử dụng, cũng như giữa các vùng lãnh thổ ở Việt Nam hiện nay; đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho việc xây dựng các chính sách chiến lược quốc gia nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quý giá này. Tài nguyên nước đang bị khai thác bừa bãi, có nguy cơ cạn kiệt, trong khi nhu cầu về nước là nhu cầu sống còn, thiết yếu của mỗi con người và mọi gia đình. Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Muốn có nguồn nước lâu dài và bền vững, phải có sự quản lý chặt chẽ và những chính sách phân bổ, chia sẻ lợi ích công bằng giữa các vùng, các nhóm ngành nghề và các cộng đồng… Trong các quy định pháp lý liên quan phải tránh sự chồng chéo, nhất là trong Luật Tài nguyên nước mà kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khóa XIII lần này sẽ đưa ra sửa đổi, phải quy về một mối để thống nhất quản lý. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị: Cần tách bạch trách nhiệm giữa cơ quan quản lý – đơn vị cung cấp dịch vụ và cá nhân (hoặc đơn vị) sử dụng nước, để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích. Dó đó, cần phải xây dựng khung định mức giá nước cho các nhóm ngành nghề; quy định quyền sử dụng nước hợp pháp cho mỗi đơn vị sản phẩm và cho mỗi người…để cộng đồng có thể dễ dàng kiểm soát và khuyến khích mọi người tự giác tiết kiệm nước, để chuyển quyền sử dụng cho nhóm sử dụng nước có hiệu quả cao hơn.
(Theo Monre.gov.vn)