Nguồn tài nguyên nước mặt quan trọng nhất của Việt Nam là từ hệ thống sông suối và các hồ chứa nước ngọt. Hiện nay với dân số trên 86 triệu người, bình quân lượng nước tiêu thụ bình quân 1 người khoảng xấp xỉ 10.000 m3, đây là chỉ số trung bình so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế tài nguyên nước trên đầu người thấp hơn do một phần trong số này bị ô nhiễm và với mức độ tăng dân số nhanh, kinh tế phát triển và việc quản lý, sử dụng nước không bền vững thì con số này sẽ giảm nhanh. Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những quốc gia khan hiếm nước vào năm 2050 hoặc sớm hơn.
Ai nắm vận mệnh tài nguyên nước? Đó là cơ quan quản lý nguồn nước và chính người dân sử dụng nước trong toàn quốc. Quản lý tài nguyên nước quốc gia phải có một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ 1-1-1999. Đây là bộ luật đầu tiên về nước của Đông Nam Á. Luật xác định: “Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của cuộc sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Mặc dù Luật Tài nguyên nước của chúng ta chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã quy định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức và mỗi người dân đối với tài nguyên nước quốc gia. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các thách thức về nguồn nước sẽ nghiêm trọng hơn, trong đó có việc gia tăng thiên tai do lũ lụt và hạn hán.
Chia sẻ những kinh nghiệm vận động bảo vệ tài nguyên nước, bà Nancy đã nói về kỹ năng truyền thông xung quanh tầm quan trọng của nguồn nước đối với đời sống xã hội, từ đó làm thay đổi hành vi của con người về bảo vệ tài nguyên nước. Đa phần người Việt Nam coi nước là nguồn tài nguyên vô tận, sử dụng vô tội vạ, không cần tiết kiệm, không cần bảo vệ, nhất là đối với nguồn nước ngầm và mặt nước sông hồ. Đó là nhận thức không đúng đắn, thậm chí nguy hiểm cho nguy cơ tài nguyên quan trọng này. Thông điệp cụ thể đối với người dân là gì để họ hiểu được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước? Theo bà Nancy thì không nhất thiết phải có một kịch bản cứng nhắc, tùy thuộc vào khả năng của từng tuyên truyền viên để chọn giải pháp truyền thông. Có thể tiến hành tuyên truyền thông qua văn bản, báo chí, tuyên truyền bằng miệng, tổ chức hội thảo, họp hành, tham vấn, các cuộc gặp gỡ không chính thức, thông qua các bài giảng… Đội ngũ tình nguyện viên truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, mỗi thành viên cần tìm ra một phương thức sao cho phù hợp để chuyển tải tốt nhất đến với đối tượng tuyên truyền. Bảo vệ và sử dụng đúng pháp luật nguồn tài nguyên nước cần sự chung tay của rất nhiều cơ quan, ban ngành và toàn thể nhân dân. Những hành vi vi phạm về môi trường nguồn nước cần phải được xử lý nghiêm khắc.
Cần lắm một phong trào sâu rộng vận động bảo vệ tài nguyên môi trường nước. Trước hết cần một sự điều phối việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước thống nhất giữa các bộ ngành, nhất là trong việc phát triển thủy điện. Tài nguyên nước là tài sản chung của cả dân tộc, cần nghiêm cấm một nhóm người nào đó vì lợi ích riêng mà hủy hoại, lãng phí nước trên lãnh thổ Việt Nam.
Người dân là một trong những tác nhân sử dụng thiếu kiểm soát và gây ô nhiễm môi trường nước sạch. Mặc dù một người dân chỉ là chủ thể nhỏ nhưng số lượng lại rất đông, nếu ai cũng đào giếng lấy nước ngầm bừa bãi thì cũng sẽ góp phần gây cạn kiệt nguồn tài nguyên quý hiếm này.
Bảo vệ môi trường sống, trong đó đặc biệt quan trọng là một trường tài nguyên nước sạch, cần một phong trào sâu rộng trong đời sống xã hội. Cần phải xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước, khuyến khích và huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư trong bảo vệ tài nguyên nước.
Bà Nancy là người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vận động bảo vệ tài nguyên nước trên thế giới. Trong cuộc gặp gỡ với những tình nguyện viên của Việt Nam, bà chia sẻ nhiều nội dung bổ ích. Bà nói: “Tôi nhiều năm làm công tác bảo vệ các dòng sông ở Mỹ. Ngoài vận động xây dựng phong trào thì cần có một chính sách hữu hiệu, một bộ luật khoa học bảo vệ nguồn nước. Cần có chế tài xử lý mạnh tay đối tượng gây ô nhiễm nguồn nước.
(Theo Lê Tự – Báo Đại đoàn kết 26/5)