Trình tự và nội dung và phương pháp thực hiện công tác đánh giá sức chịu tải của Dự án “Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững” là gì?

Trả lời:

1. Trình tự, nội dung đánh giá sức chịu tải

– Thu thập tài liệu; điều tra khảo sát bổ sung thông tin; tổng hợp, xử lý tài liệu được thực hiện theo Quyết định số 154/QĐ-TCMT ngày 15/02/2019 ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông và Thông tư số 21/2009/TTBTNMT quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải và sức chịu tải của nguồn nước.

– Lấy và phân tích mẫu nước để xác định chất lượng nguồn tiếp nhận và chất lượng nguồn thải thực hiện theo Quyết định số 154/QĐ-TCMT ngày 15/02/2019 ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông và Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước; dự toán tính theo quyết định số 1966/QĐ-BTNMT ban hành Bộ đơn giá sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực môi trường.

– Đánh giá sức chịu tải của nguồn nước theo Quyết định số 154/QĐ-TCMT ngày 15/02/2019 ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông và Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước; định mức kinh tế – kỹ thuật vận dụng theo Thông tư số 21/2009/TT-BTNMT về định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

Sơ đồ thực hiện dự án

2. Phương pháp thực hiện

a. Phương pháp thu thập, thống kê và tổng hợp tài liệu

– Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở kế thừa, phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu, tư liệu, số liệu thông tin có liên quan một cách có chọn lọc, từ đó, đánh giá chúng theo yêu cầu và mục đích nghiên cứu.

– Thống kê là phương pháp xử lý số liệu một cách định lượng. Ở giai đoạn đầu, tiến hành thống kê, thu thập các số liệu, các kết quả nghiên cứu của các chương trình, dự án đã được thực hiện có liên quan. Đồng thời, thống kê, thu thập các số liệu đo đạc, khảo sát ngoài thực địa, tính toán trên bản đồ và mô hình.

– Phương pháp thu thập:

+ Tổng hợp, thống kê, chọn lọc các tài liệu và các đơn vị lưu trữ tài liệu để thu thập.

+ Photo, scan, sao chép dữ liệu…tại đơn vị lưu trữ.

– Các nguồn tài liệu có liên quan đã được rà soát, thu thập và tiến hành tổng hợp, đánh giá. Kết quả của công tác thu thập sẽ phục vụ cho việc định hướng, thiết kế công tác điều tra, đánh giá, đo đạc bổ sung (ngoài thực địa và trong phòng thí nghiệm), cũng như sử dụng cho các nội dung tổng hợp, phân tích, đánh giá (cùng tài liệu điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung của dự án).

b. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa và phân tích trong phòng thí nghiệm
Các phương pháp nghiên cứu thực địa nhằm: thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường khu vực triển khai dự án; thu thập các số liệu phục vụ cho việc tính toán sức chịu tải; so sánh, đối chiếu điều kiện biên của các khu vực khác nhau; kiểm định và khẳng định những kết quả đạt được từ quá trình phân tích hay tính toán; thu thập, đo đạc bổ sung các số liệu, tài liệu thực tế tại các khu vực thiếu số liệu hay các vùng trọng điểm. Các phương pháp hóa học, hóa lý, hóa sinh, lý sinh, sinh học sẽ được sử dụng để lấy mẫu, phân tích và đánh giá.

* Điều tra, khảo sát và thu thập tài liệu bổ sung: Điều tra, khảo sát bổ sung các thông tin, số liệu, tài liệu về hiện trạng các nguồn thải, các nguồn tiếp nhận phục vụ xây dựng mô hình đánh giá.

– Phương pháp điều tra:

+ Đo tọa độ bằng GPS cầm tay, quan sát, mô tả thông tin, phỏng vấn trực tiếp ghi chép vào phiếu điều tra, sổ;

+ Thu thập photo các tài liệu nếu có;

+ Đo đạc lưu lượng xả thải: bằng dụng cụ của các đơn vị xả thải; đo bằng ván, phao, tính toán trên cơ sở tiêu thụ nước…

+ Đo đạc các chỉ tiêu chất lượng nước tại hiện trường bằng máy đo nhanh.

* Lấy và phân tích mẫu nước: Để cung cấp số liệu đầu vào cho mô hình mô phỏng và tính toán và đánh giá sức chịu tải của môi trường nước sông cần có các số liệu phân tích chất lượng nước mặt, nước thải theo quy định về thời gian cũng như tại các mặt cắt nhất định trên sông. Vì vậy dự án tiến hành lấy mẫu phân tích bổ sung để làm số liệu kiểm chứng.

Lấy mẫu phân tích chất lượng nước trong khu vực nghiên cứu. Dự án sẽ sử dụng các phương pháp điều tra tổng hợp để tiến hành điều tra, khảo sát thực địa kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích trong phòng thí nghiệm. Quy trình lấy, bảo quản và phân tích mẫu tuân thủ các quy định hiện hành.

* Đo lưu lượng dòng chảy phục vụ công tác tính toán lưu lượng dòng chảy nhỏ nhất tại đoạn sông đánh giá.

c. Phương pháp tổng hợp, phân tích và tính toán trong phòng

Phương pháp tổng hợp, phân tích và tính toán trong phòng được thực hiện theo các hướng dẫn tại các quy phạm chuyên ngành có liên quan, dựa trên số liệu thông tin, dữ liệu của công tác thu thập và điều tra, đánh giá, đo đạc bổ sung đã được tổng hợp, chỉnh lý. Các nội dung thực hiện theo thiết kế, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra của dự án, như: tính toán hệ số suy giảm dọc đường; tính toán các loại tải lượng (nguồn thải và nguồn tiếp nhận); xây dựng, hiệu chỉnh và kiểm định bộ mô hình; tính
toán đánh giá sức chịu tải, vv…

– Hệ số phát thải và các thành phần tải lượng được tính toán dựa trên số liệu về quy mô nguồn thải (từ số liệu niên giám thống kê và các số liệu kinh tế – xã hội khác), kết quả lấy và phân tích mẫu (tại các điểm nguồn tiếp nhận, tại các điểm đại diện của các tiểu lưu vực);

– Các thành phần tải lượng được tính toán theo hướng dẫn, dựa trên số liệu về quy mô nguồn thải, hệ số phát thải, dòng chảy tối thiểu tại các điểm giám sát và các số liệu có liên quan khác. Tải lượng tối đa được tính toán dựa trên quy chuẩn cho phép theo chức năng nguồn nước được xác định cho các đoạn sông;

– Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải được thực hiện theo các thông tư hướng dẫn, gồm: thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông ban hành kèm theo quyết định số 154/QĐ-TCMT ngày 15/2/2019 của Tổng cục Môi trường; vv…

Có 3 phương pháp đánh giá sức chịu tải được áp dụng gồm: trực tiếp, gián tiếp và mô hình. Đối với phương pháp mô hình, công cụ mô hình được sử dụng là bộ công cụ của Mike, gồm: mô hình thủy văn Mike-NAM, mô hình thủy lực Mike-HD, và mô hình chất lượng nước Mike-AD và Ecolab.

d. Phương pháp chuyên gia

Phương pháp chuyên gia nhằm huy động được kinh nghiệm và hiểu biết của nhóm chuyên gia liên ngành về lĩnh vực nghiên cứu, từ đó sẽ cho các kết quả có tính thực tiễn và khoa học cao, tránh được những trùng lặp với những nghiên cứu đã có, đồng thời kế thừa các thành quả nghiên cứu đã đạt được. Phương pháp này được thực hiện thông qua các buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.