Sử dụng cơ sở, tiêu chí phân đoạn nào để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các phân đoạn sông?

Trả lời:

Khi phân đoạn sông để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải cần căn cứ vào các tiêu trí sau.

Căn cứ kết quả thu thập tài liệu từ các Dự án và quy định tại Điều 5 Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, phân đoạn sông để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông theo các bước sau:

– Căn cứ Khoản 1, Điều 6, Thông tư 64/TT-BTNMT quy định vị trí xác định dòng chảy nhỏ nhất trên sông, suối là vị trí cửa sông, suối trước khi nhập lưu. Trường hợp trên sông, suối có trạm thủy văn mà vị trí đặt trạm đại diện được cho chế độ dòng chảy của sông, suối thì lựa chọn trạm thủy văn là vị trí xác định dòng chảy nhỏ nhất trên sông, suối;

– Căn cứ Mục a, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 64/TT-BTNMT quy định các sông, suối, hồ chứa phải xác định dòng chảy nhỏ nhất bao gồm các sông, suối thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh, lưu vực sông nội tỉnh, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT về việc phân đoạn sông để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông được thực hiện trên cơ sở các căn cứ sau:

Căn cứ 1: Vị trí nhập lưu, phân lưu trên sông;

Căn cứ 2: Chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước của sông; vị trí các công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải; vị trí công trình hồ chứa, công trình điều tiết nước trên sông;

Căn cứ 3: Chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất ứng với độ mặn 4,0‰ đối với các đoạn sông bị ảnh hưởng của thủy triều;

Căn cứ 4: Yêu cầu về bảo tồn, phát triển hệ sinh thái thủy sinh, giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng có liên quan đến nguồn nước;

Căn cứ 5: Đối với các sông liên tỉnh còn phải căn cứ vào địa giới hành chính cấp huyện, cấp tỉnh.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, đoạn sông được xác định như sau:

+ Một đoạn sông được xác định bởi hai mặt cắt liền kề có chiều dài từ 10 km trở lên. Trường hợp đoạn sông có chiều dài dưới 10 km thì căn cứ vào mức độ biến đổi lưu lượng dòng chảy, mục đích sử dụng nước, yêu cầu bảo vệ nguồn nước xem xét ghép chung với đoạn sông liền kề.

+ Đối với đoạn sông bị ảnh hưởng của thủy triều thì toàn bộ chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất ứng với độ mặn 4,0‰ thì được phân thành một đoạn.

          + Trường hợp sông chảy qua đô thị, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo tồn giá trị văn hóa có liên quan đến nguồn nước thì được xem xét phân thành một đoạn.