Trả lời:
Trên địa bàn các tỉnh/thành phố vùng KTTTĐPN đã có mạng lưới quốc gia và địa phương để quan trắc số lượng nước sông (lưu lượng và mực nước). Tuy nhiên số lượng trạm đo thủy văn còn hạn chế, chỉ có 21 trạm đo phân bố chủ yếu trên các dòng chính sông Đồng Nai, Sài Gòn, La Ngà, Bé, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, Ba Rài và Kênh Sáng.
Trong số các trạm thủy văn này, chỉ có 5 trạm là có đo lưu lượng. Như vậy có thể thấy số liệu quan trắc số lượng nước sông còn rất hạn chế, đặc biệt là các sông nhỏ, sông nội tỉnh. Nguồn số liệu đo đạc thủy văn được đánh giá là chưa đảm bảo để phục vụ đánh giá tài nguyên nước mặt về mặt số lượng, cũng như cung cấp số liệu cho các mô hình toán nước mặt.
+ Đối với quan trắc chất lượng nước mặt, các địa phương vùng KTTĐPN đều tiến hành lấy và phân tích mẫu nước hàng năm với tần suất 4-24 lần/năm để phục vụ đánh giá chất lượng nước mặt phục vụ công tác đánh giá môi trường nước mặt. Tuy nhiên phần lớn các vị trí quan trắc này nằm trên các con sông lớn, các sông liên tỉnh, thời gian lấy mẫu của các địa phương lại không đồng nhất bởi vậy nguồn số liệu quan trắc nước mặt chưa đảm bảo để đánh giá chất lượng nước mặt của từng sông, từng tiểu lưu vực.
+ Trong vùng KTTĐPN, chưa có dự án điều tra cơ bản đánh giá tài nguyên nước mặt nào được triển khai. Nguồn dữ liệu cơ bản về điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt nằm rải rác trong các dự án quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, đánh giá sức chịu tải nguồn nước các nhóm đề tài kiểm kê tài tài nguyên nước. Nguồn dữ liệu chủ yếu tập trung cho các đối tượng là các sông lớn, các sông liên tỉnh, liên quốc gia;
– Thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất:
+ Mạng lưới quan trắc quốc gia và quan trắc địa phương còn tương đối thưa, chưa đủ đảm bảo cung cấp số liệu đánh giá chi tiết cho từng tầng chứa nước của từng địa phương và toàn vùng nghiên cứu;
+ Các thông tin, số liệu về hiện trạng các công trình khai thác sử dụng nước dưới đất, đặc điểm chất lượng nước dưới đất tại một số khu vực còn chưa đủ đảm bảo để đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000. Một số địa phương đã được tiến hành điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước ở tỷ lệ ≤ 1:50.000 ở các giai đoạn trước đây, tuy nhiên mới chỉ cung cấp được thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, lập quy hoạch TNN ở địa phương cấp tỉnh. Mức độ nghiên cứu tổng hợp về tài nguyên nước dưới đất toàn vùng KTTĐPN còn hạn chế, các thông tin, tài liệu kế thừa là chưa đầy đủ, tin cậy để có thể làm cơ sở lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000.
+ Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng: một số vùng ven núi, biên giới còn thiếu thông tin về đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn;
+ Đối với tầng chứa nước khe nứt: một sống vùng phía Đông Bắc vùng nghiên cứu còn chưa có các lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn.
Sơ đồ các sông suối, hồ chứa thuộc đối tượng điều tra, đánh giá vùng KTTĐPN
– Bản đồ tài nguyên nước:
+ Chưa thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước mặt vùng KTTĐPN;
+ Mới chỉ có bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 200.000 vùng KTTĐPN với mật độ thể hiện các thông tin về tài nguyên nước còn hạn chế, chưa trình bày chi tiết được các nội dung đánh giá tài nguyên nước dưới đất. Một số vùng, địa phương thuộc vùng KTTĐ đã lập bản đồ địa chất thủy văn, tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 50.000 và lớn hơn, tuy nhiên số liệu hiện trạng khai thác, chất lượng nước đã được điều tra thu thập từ 15-20 năm trở về trước. Những số liệu này không còn đủ đảm bảo để đánh giá hiện trạng tài nguyên nước dưới đất, bởi vậy cần được điều tra bổ sung kiểm chứng.
+ Các sản phẩm bản đồ địa chất, địa chất thủy văn, chất lượng nước, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất trước đây được biên tập, lưu trữ dưới dạng giấy in, đa phần có tính trực quan, chuẩn hóa thấp, gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi lưu trữ hay tìm bộ kiếm, truy xuất dữ liệu. Các file bản đồ thường được biểu diễn ở dạng “vector” nên rất khó ứng dụng cho các bài toán phân loại, chồng xếp hay ứng dụng các công cụ phân tích của hệ thống thông tin địa lý trong việc phân tích, đánh giá, dự đoán môi trường nói chung và tài nguyên nước nước nói riêng;
– Hệ thống cơ sở dữ liệu:
+ Công tác điều tra thực địa tài nguyên nước trước đây được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp truyền thống: đo vẽ, ghi chép nhật kí, nhập số liệu, tổng hợp … thường tiêu tốn nguồn lực và chi phí thực hiện rất lớn. Cách thức thu thập, thể hiện các số liệu, kết quả của các Dự án không đồng bộ, dẫn đến khó khăn khi đồng bộ hóa dữ liệu, kết quả đánh giá tài nguyên nước vào Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước chung của cơ quan quản lý;
+ Dữ liệu, kết quả quả tính toán, đánh giá tài nguyên nước trước đây còn chưa được đồng bộ, số hóa; dạng số liệu này được lưu trong hệ thống thông tin địa lý chưa đảm bảo để lựa chọn, liên kết và tra cứu trên cơ sở vị trí địa lý mô tả bằng các chỉ số xác định.