Trả lời:
Các giải pháp, cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin về chất lượng nước mặt xuyên biên giới:
* Các giải pháp kỹ thuật hiện đại:
Chủ động tìm kiếm công nghệ xử lý nước thải hiện đại như thay đổi công nghệ, tách riêng dòng thải để sản xuất sạch hơn.
Tìm kiếm giải pháp giảm chất thải sau phát sinh như xử lý nước thải, tái sử dụng chất thải,…
Tìm kiếm giải pháp cải thiện khả năng tiếp nhận chất thải như thông khí, khơi thông dòng chảy,…
Tìm kiếm giải pháp sinh thái như sử dụng hệ động, thực vật tự nhiên có khả năng đồng hóa chất ô nhiễm.
Ưu tiên sử dụng phương pháp xử lý nước thải sinh học.
* Các giải pháp tổ chức, quản lý:
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong khai thác tài nguyên nước đặc biệt các khu vực có nguy cơ thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Hoàn thiện mạng lưới giám sát môi trường nước mặt. Đẩy mạnh xây dựng và tăng cường trang thiết bị, công cụ phục vụ xử lý thông tin, đánh giá trong quá trình thẩm định, cấp phép; trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra môi trường và trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, quan trắc chất lượng môi trường.
Tăng cường bảo vệ nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, rà soát kiểm tra các khu vực thuộc nguồn cấp nước sinh hoạt, nghiêm cấm việc xả thải công nghiệp vào nguồn nước này, xây dựng các phương án, công nghệ cảnh báo giám sát chất lượng nước khu vực cấp nước sinh hoạt.
Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã, để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về môi trường; phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về môi trường giữa các Sở, ngành; bố trí đủ nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức để xây dựng đội ngũ cán bộ,công chức, viên chức đáp ứng cơ bản yêu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng. Đổi mới phương pháp quản lý công chức; kiên quyết xử lý/đề xuất xử lý ngay những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong công việc.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ trong quản lý môi trường, tập trung vào việc nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, Giấy phép môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu.
* Các giải pháp tài chính:
Tăng đầu tư, đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ kinh tế (phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và xử phạt vi phạm hành chính): Đây là một trong những công cụ quản lý có hiệu quả trong việc quản lý môi trường, giúp huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm đảm bảo nguồn lực cho thực thi công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường nước.
Nghiên cứu, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia bảo vệ môi trường nước cụ thể: Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải, nước thải tại các khu sản xuất, kinh doanh,dịch vụ tập trung; Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp;
Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; Có chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất, kinh phí xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung,…
Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế: Tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) từ các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và tổ chức phi chính phủ như Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP),… Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường: Huy động các nguồn vốn đầu tư vào bảo vệ môi trường từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư theo hình thức nhà nước và người dân cùng làm với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Nâng cao các điều kiện cho vận hành, duy tu và quản lý các hệ thống cung cấp nước chủ yếu là kiểm soát thất thoát nước do vận hành.
* Giải pháp tuyên truyền giáo dục
Tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, công bố kết quả phân vùng khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải; hỗ trợ nâng cao năng lực bảo vệ nguồn nước mặt tại các cấp, ngành và các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh việc phổ biến thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng các hình thức cung cấp thông tin để người dân có thể dễ dàng, thuận tiện và kịp thời tiếp cận được các nguồn thông tin chính thống (các ứng dụng cung cấp phổ biến thông tin trên thiết bị di động thông minh, mạng internet,…).
Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong quá trình triển khai, áp dụng các quy định, chính sách về tài nguyên nước và cộng đồng trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc về tài nguyên nước. Biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên nước. Tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên nước của cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước vào các buổi học trên lớp, hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên.