Trả lời:
Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xác lập mô hình quản trị tài nguyên nước thông minh, phát triển tài nguyên nước phù hợp với điều kiện ở Việt Nam do ThS. Nguyễn Chí Nghĩa – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện tứ tháng2/2022 đến hết tháng 12/2023 với mục tiêu ban đầu là xác lập được mô hình quản trị tài nguyên nước thông minh, phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông lớn ở Việt Nam; Và đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản trị và phát triển tài nguyên nước.
Đến nay, sau gần 2 năm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xác lập mô hình quản trị TNN thông minh, phát triển TNN phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; Mã số TNMT.2022.01.41” đã hoàn thành toàn bộ các nội dung theo phê duyệt tại đề cương và hợp đồng đúng tiến độ.
Đồng thời, Đề tài đã làm rõ cấu trúc của mô hình quản trị, quản lý tài nguyên nước thông minh trên thế giới đang thực hiện là sự kết hợp giữa quản trị, quản lý tổng hợp với thông tin và truyền thông. Nói cách khác, đây chính là cách tiếp cận theo hướng quản lý tổng hợp, đảm bảo tài nguyên nước được khai thác, sử dụng bền vững.
Đề tài đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Thiết lập được các mô hình quản trị thông minh, phát triển tài nguyên nước để áp dụng cho các cấp từ trung ương, LVS và địa phương đến khu vực doanh nghiệp (thí điểm cấp nước thông minh ở Hải Dương). Các bộ mô hình này bản chất là sự đổi mới các mô hình hiện tại theo hướng kết hợp giữa hệ thống quản trị tốt với thông tin và truyền thông. Tổ chức triển khai các mục tiêu quản trị được thực hiện bởi quản lý thông minh. Trong đó cấp quốc gia và cấp địa phương thì nền tảng quản lý được dựa trên các mô hình quản lý tổng hợp kết hợp với thông tin và truyền thông để nâng cao năng lực phối hợp giữa các ngành theo chiều dọc và theo chiều ngang đối với các bộ và các sở ban ngành. Mô hình áp dụng cho khối doanh nghiệp là mô hình quản trị ứng dụng công nghệ thông minh để tạo dòng dữ liệu TNN từ nguồn bổ sung cho dữ liệu tài nguyên nước địa phương và quốc gia.
Đề tài đề xuất được các nội dung góp ý cơ chế chính sách, bổ sung dự thảo tờ trình của Chính phủ và dự thảo sửa đổi Luật tài nguyên nước 2012 trên cơ sở 5 nhóm quy định về: (1). Quy định rõ nội hàm của quản trị, quản lý tổng hợp tài nguyên nước; (2). Quy đinh để phát triển nguồn lực bảo đảm thực hiện QTTM từ hạ tầng dữ liệu tài nguyên nước; thông tin truyền thông và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (3). Cơ chế khuyến khích nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các công nghệ cao về thông tin, truyền thông, các tiện ích phục vụ xử lý số liệu điều tra, quan trắc, lưu trữ…xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia. (4). Các quy định về cập nhật, trao đổi và khai thác dữ liệu TNN; (5). Quy định về sự tham gia của cộng đồng các hoạt động bổ sung, sử dụng dữ liệu TNN.