Quy hoạch tài nguyên nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Căn cứ và nội dung chính?

Quy hoạch tài nguyên nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là cơ sở cho việc điều chỉnh, trình duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng.

Ngày 13 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch). Quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung (thành phố Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) thành trung tâm kinh tế biển mạnh, vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại.

Song song với việc quy hoạch phát triển kinh tế, việc quy hoạch tài nguyên nước là vô cùng cần thiết và mang tính cấp bách. Đây sẽ là tiền đề cho việc lập ra các quy hoạch khác dựa trên nguồn nước hiện có của vùng (nước mặt và nước dưới đất). Việc hoàn thiện quy hoạch sẽ giúp cho việc phân bổ tài nguyên nước giữa các ngành nghề dành cho phát triển cũng như phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt một cách hợp lý và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, theo đúng yêu cầu của chính phủ đặt ra.

Nội dung chính của Quy hoạch tài nguyên nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thực hiện nhằm đáp ứng những mục tiêu sau:

– Lập ra bản đồ tài nguyên nước tổng thể trong vùng (Nước mặt và nước dưới đất). Từ đó, có cái nhìn tổng thể về tài nguyên nước của vùng quy hoạch. Căn cứ vào bản đồ này sẽ lập kế hoạch phân bổ tài nguyên nước cho từng vùng trong từng giai đoạn cụ thể, đáp ứng được yêu cầu dùng nước của các địa phương trong vùng quy hoạch.

Gắn kết với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch của các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác để phát triển bền vững;

–  Bảo đảm tính toàn diện giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và phân bổ hài hoà lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu;

– Là cơ sở hỗ trợ cho các cơ quan, các cấp chính quyền ra quyết định các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước một cách hợp lý.