Công tác Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi được thực hiện như thế nào?

Vùng điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất bao gồm huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi và một phần các huyện An Lão, Hoài Nhơn tỉnh Bình Định, có mật độ dân cư đông, đất đai phù hợp cho phát triển nông nghiệp, chuyên canh cây công nghiệp, nhưng cuộc sống người dân vẫn nghèo khó do thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt và phát triển kinh tế. Theo quy hoạch phát triển KT-XH của huyện Đức Phổ đến năm 2010 với số dân 107.161 người, nhu cầu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt sẽ lớn hơn 10.000 m3/ng. Tại các xã vùng ven biển của Đức Phổ, nước dưới đất thường bị nhiễm mặn, một số khu nhiễm bẩn nghiêm trọng nên tình trạng thiếu nước càng trở nên gay gắt. Vì thế, việc điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất (NDĐ) ở vùng Đức Phổ – Quảng Ngãi là rất cấp thiết.

Để xác định các tầng chứa nước, đánh giá trữ lượng, chất lượng, khoanh vùng triển vọng để khai thác phục vụ sinh hoạt, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã tiến hành điều tra địa chất thủy văn với các phương pháp kĩ thuật chủ yếu như: Thu thập, xử lí tài liệu; đo vẽ địa chất thủy văn; địa chất – địa chất thủy văn tổng hợp tỉ lệ 1:50.000, đo địa vật lí, khoan địa chất thủy văn, hút nước thí nghiệm, quan trắc động thái nước, lấy và phân tích mẫu nước, đo tr​ắc địa công trình,…

Qua điều tra, khảo sát, chất lượng nước dưới đất trong vùng nghiên cứu về cơ bản đều đạt Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm; các chất gây độc hại có hàm lượng nhỏ hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

Theo các tác giả Đề án: Đối với vùng chứa nước trung bình của tầng chứa nước Holocen, cần thiết kế các công trình khai thác nước theo chiều dài của dải cát với chiều sâu giếng khoan từ 20 ÷ 22 mét, khoảng cách và số giếng khoan tùy thuộc vào quy mô khai thác. Cũng có thể đào giếng đường kính lớn sử dụng bơm li tâm để lấy nước hoặc bố trí các lỗ khoan đơn lẻ, công suất khai thác mỗi giếng khoảng 120 ÷ 170 m3/ng. Các vùng chứa nước trung bình trên bề mặt chứa nước là cát bở rời, có nguy cơ ô nhiễm cao; vì thế cần tránh xả rác, nước thải. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm NDĐ nên cần hạn chế ở mức cho phép; sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp trên diện tích phân bố các tầng chứa nước. Các giếng khoan khai thác nước thiết phải được cách li bằng đất sét và xi măng giữa tầng chứa nước với nước trên mặt để hạn chế ô nhiễm nguồn nước; xây dựng đới phòng hộ vệ sinh cho các công trình khai thác; tránh khai thác cạn kiệt tầng chứa nước, khoan, khai đào khi chưa hiểu biết rõ đặc điểm, làm nhiễm bẩn và xâm nhập mặn đến các tầng chứa nước.