Các giải pháp giảm thiểu sụt lún đất tại núi Móng Rồng, tỉnh Hà Nam?

Trả lời:

Sụt lún nền đất đang làm cho nhiều người dân tại khu vực núi Móng Rồng hết sức lo lắng do nhà ở bị nứt, nền nhà, nhà bị lún nghiêng. Để ngăn chặn tình trạng này việc tìm ra các giải pháp giảm thiểu sụt lún đất tại khu vực càng trở nên cần thiết.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của đề án “Khảo sát, đánh giá nguyên nhân sụt lún tại núi Móng Rồng tiểu khu La Mát, tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam” nguyên nhân gây sụt lún là do các yếu tố tự nhiên (Đá vôi nứt nẻ, phát triển hang động karst) hoạt động mạnh và ảnh hưởng của việc khai thác nước dưới đất tại các giếng của Công ty Tân Phát Nam Hà.

Trước nguy cơ sụt lún nền đất đang ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, đề án đã đề xuất một số giải pháp, phương án khắc phục, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại tại khu vực như sau:

– Đối với các công trình mà địa phương quy hoạch hoặc cấp phép cho xây dựng có tải trọng lớn trên vùng này thì khuyến cáo nên phun trám lấp bê tông xi măng vào các vị trí hang đã được tài liệu điều tra để tránh sụt lún tiếp diễn.

– Đối với các giếng khai thác nước dưới đất của Công ty Tân phát Nam Hà thì địa phương có thể cho phép Công ty khai thác theo công suất thiết kế, và có chế độ khai thác phù hợp, nhưng phải trám lấp các hang các tơ, đới xung yếu nói trên bằng dung dịch xi măng, bê tông để tăng sức chịu tải của nền móng công trình và công ty phải có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình sụt lún trong quá trình khai thác, nếu có hiện tượng sụt lún thì phải dừng ngay.

– Địa phương thường xuyên theo dõi các quá trình diễn biến sụt lún nên đất, nứt tường nhà và các hiện tượng khác để có các giải pháp xử lý kịp thời;

– Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác nước dưới đất tại các khu vực có nguy cơ cao về sụt lún theo kết quả địa vật lý đã chỉ ra là: vùng 1 phân bố tại phía Bắc khu vực nghiên cứu, phát triển ở độ sâu từ 25 đến 60m; vùng 2 phân bố từ đầu tiểu khu La Mát đến tiểu khu Châu Giang, đây là trung tâm sụt lún tại khu vực nghiên cứu, vùng này phát triển từ độ sâu từ 10 đến 70m; vùng 3 phân bố ở phía Nam khu vực nghiên cứu thuộc tiểu khu Châu Gang, phát triển tại độ sâu từ 45 đến 60m.

– Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước của địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác nước dưới đất, việc tuân thủ các quy định của giấy phép khai thác nước, các quy định của luật Tài nguyên nước. Tổ chức xây dựng mạng quan trắc để giám sát tình hình khai thác, biến đổi mực nước, sụt lún đất trong vùng.

Tóm lại, do đây là khu vực có tiềm năng cao về sụt lún, nên dù có tiếp tục hay không tiếp tục khai thác nước ngầm tại các giếng của Công ty Tân Phát Nam Hà hoặc không xây dựng các công trình có tải trọng lớn vì rất có thể khi đó vẫn gây nên mất hiện trạng cân bằng tải trọng tạm thời hiện nay. Vì vậy, nếu có kế hoạch quản lý tốt việc khai thác nước dưới đất thì tình trạng sụt lún nền đất có thể được giảm thiểu. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng như các sở ban ngành tại địa phương cần có kế hoạch khảo sát, đánh giá chi tiết tại khu vực trên để kịp thời giải quyết đảm bảo an toàn cho người dân và tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.