Hiện trạng mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất hiện nay như thế nào?

Theo Quyết định số 432/QĐ-TTg, toàn bộ các công trình thuộc mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất được lồng ghép với mạng quan trắc môi trường. Do vậy, tất cả các công trình quan trắc nước dưới đất thuộc các vùng quan trắc trên cả nước sẽ có thêm chức năng quan trắc môi trường nước dưới đất.

Trên thực tế, Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước hàng năm đã và đang quan trắc một số thông số chất lượng nước dưới đất với tần suất 2 lần trong năm vào thời điểm mùa mưa và mùa khô. Các thông số quan trắc bao gồm:

– Mẫu phân tích toàn diện gồm: Canxi (Ca2+), Magie (Mg2+), Natri (Na+), Kali (K+), Sắt tổng, Nhôm (Al3+), Amoni (NH4+), Hidrocacbonat (HCO3), Clorua (Cl), Sunphat (SO42-), Cacbonat (CO32-), Nitơrit (NO2), Nitơrat (NO3), độ cứng tổng, độ cứng tạm thời, độ cứng vĩnh viễn, pH, CO2 tự do, COăn mòn, CO2 xâm thực, silicat (SiO2), tổng độ khoáng hóa (sấy ở 105°C), màu, mùi, vị;

– Mẫu sắt gồm: Sắt II (Fe2+), sắt III (Fe3+);

– Mẫu vi lượng: Tùy vào đặc điểm từng khu vực, lựa chọn phù hợp trong các thông số sau: Asen (As), Thủy ngân (Hg), Selen (Se), Crom (Cr), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Phenol, Cyanua (CN), Mangan (Mn);

– Mẫu nghiên cứu ô nhiễm có nguồn gốc hữu cơ: Amoni (NH4+), Nitơrit (NO2), Nitơrat (NO3), Phốt phát (PO43-), COD, Eh (chỉ tiêu Eh đo tại thực địa);

Mặc dù vậy, các thông số này mới chỉ là các thông số cơ bản, được lấy theo Thông tư số 19/2013/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2013 về việc quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện tại, kết quả quan trắc các thông số này đang được sử dụng để xây dựng bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo chất lượng nước ngầm cho các vùng, tỉnh và lưu vực sông có công trình quan trắc, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu quan trắc môi trường nước dưới đất. Tuy nhiên, qua quá trình quan trắc nhiều năm có thể thấy được rằng các thông số trên tương đối ổn định và tần suất quan trắc 2 lần trong năm đã đảm bảo theo dõi sự biến động của chúng trong chất lượng nước dưới đất tại các vùng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì các bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin thực tế ngày càng cao của xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, do các hoạt động khai thác sử dụng nước dưới đất quá mức, ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn gây bởi quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng đặc biệt là sự ô nhiễm từ các nguồn thải do sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, khai khoáng, đã làm suy thoái cả chất lượng và trữ lượng của môi trường nước dưới đất. Cụ thể, tại những khu vực mà nước mặt và nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nhau, dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, mà còn ngấm xuống các tầng chứa nước ngầm. Các thông số đặc trưng cho các nguồn thải trên gồm: Tổng N; Tổng P; hóa chất bảo vệ thực vật Clo hữu cơ; hóa chất bảo vệ thực vật Phốt pho hữu cơ; tổng dầu, mỡ; E.Coli, Coliform; tổng Phenol . Đây là những thông số có sự biến động lớn, thường xuyên thay đổi theo mức độ xả thải và tác động của các hoạt động kinh tế xã hội. Mặt khác, chúng cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tài nguyên nước.

Chính vì vậy, để có thể theo dõi diễn biến môi trường nước dưới đất một cách đầy đủ, bám sát thực tế và cuối cùng là đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của không chỉ các cấp quản lý mà còn của cả xã hội trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất thì cần thực hiện quan trắc chất lượng nước theo các quy định trong Thông tư 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 về quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó cần tăng cường tần suất quan trắc và bổ sung các thông số quan trắc.