Ứng dụng phần mềm điều tra, khảo sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Cả

Lưu vực sông (LVS) Cả nằm trên lãnh thổ 2 nước Lào và Việt Nam với diện tích 17.900km2. Lưu vực sông Cả là sông liên quốc gia, đứng thứ 5 về độ lớn ở Việt Nam, sau hệ thống sông Cửu Long, sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Mã. Lưu vực sông Cả bao trùm hầu hết diện tích hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần diện tích tỉnh Thanh Hóa. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho các ngành kinh tế- xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Dự án "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế xã hội lưu vực sông Cả" do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc thực hiện trong năm 2023 đã mang lại nhiều kết quả đáng chú ý. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm hỗ trợ phát triển bền vững khu vực lưu vực sông Cả, đảm bảo sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt.

            

            Những năm qua, có nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, dẫn nước trên LVS được xây dựng; nhiều dự án điều tra có liên quan ở mức độ khác nhau đã được thực hiện. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, tình trạng hạn hán vào mùa khô trong những năm gần đây xảy ra có mức độ tăng cao và ngày càng khắc nghiệt; diện tích hạn của Nghệ An năm 2010 khoảng 17.000 – 20.000ha, Hà Tĩnh khoảng 12.000ha. Trong đó, hạn nặng chiếm tới 30% diện tích hạn và có thời điểm mực nước của hàng trăm hồ hạ thấp xuống gần mực nước chết.

            Thực tế cho thấy, để quản lý TNN LVS thì thông tin TNN là rất quan trọng. Cơ sở dữ liệu về số lượng, chất lượng hiện trạng khai thác là dữ liệu nền quan trọng phục vụ quy hoạch, quản lý TNN. Việc điều tra đánh giá TNN áp dụng công nghệ số là việc đổi mới quan trọng; dữ liệu điều tra được thể hiện và lưu trữ ở dạng số sẽ được xử lý, tổng hợp đánh giá kịp thời hơn khi xử lý số liệu theo cách truyền thống.

            Kết quả rà soát đánh giá hiện trạng thông tin cơ sở dữ liệu cho thấy, trong số 3 tỉnh nằm trong phạm vi LVS Cả hiện đã có tỉnh Thanh Hóa xây dựng cơ sở dữ liệu TNN; tỉnh Hà Tĩnh mới xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường vùng ven biển của tỉnh; tỉnh Nghệ An chưa xây dựng cơ sở dữ liệu TNN. Hiện nay LVS Cả chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu TNN nhất quán, đồng bộ. Việc thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu TNN trên toàn LVS do vậy là rất cần thiết, khi dữ liệu TNN được thống nhất sẽ là cơ sở quan trọng để việc quản lý TNN trên lưu vực sông được đồng bộ, giúp giải quyết được các vấn đề đang xảy ra về TNN như đã nêu ở trên.

            Dự án được xây dựng và thực hiện trong thời gian 5 năm (từ năm 2020 – 2024). Nội dung chính là xây dựng phần mềm phục vụ điều tra, đánh giá và thu thập tổng hợp dữ liệu TNN LVS Cả. Trong đó, bộ phần mềm bao gồm ứng dụng di động phục vụ điều tra, khảo sát tài nguyên nước; phần mềm WEB quản trị tích hợp phân hệ điều tra khảo sát và thu thập dữ liệu, phân hệ quản lý hoạt động điều tra, khảo sát và phân hệ khai thác dữ liệu; bộ cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá TNN LVS Cả được tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu TNN.

            Triển khai thực hiện Dự án, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN miền Bắc đã hoàn thành xây dựng được các phần mềm; thiết lập được khung cơ sở dữ liệu; hoàn thiện được bộ mô hình tổ chức điều tra, chuyển đổi số toàn bộ các công việc ở thực địa; liên thông lưu trữ dữ liệu về máy chủ của Trung tâm quy hoạch và điều tra TNN quốc gia. Bộ dữ liệu điều tra ở dạng số được cập nhật online, tự động tính toán, tổng hợp, thống kê dữ liệu. Các ứng dụng này đã giúp giảm thời gian thu thập dữ liệu ngoài thực địa; rút ngắn được thời gian tổng hợp tài liệu và công tác văn phòng (từ 1 tháng xuống còn 3 – 5 ngày), trong khi đảm bảo độ chính xác và tin cậy theo quy định.

            Chia sẻ về phần mềm ứng dụng điều tra TNN, ông Nguyễn Chí Nghĩa cho biết, phần mềm ứng dụng điều tra TNN là hệ thống chạy trên nền tảng web, cho phép chuyển đổi việc quản lý các dữ liệu thu thập, điều tra, khảo sát, khai thác truyền thống sang phần mềm quản lý dữ liệu TNN; hỗ trợ quản lý các dạng công tác từ khi giao nhiệm vụ; lập kế hoạch điều tra, xác định tuyến điều tra, phương án lộ trình; kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện điều tra, khảo sát; lưu trữ và quản lý toàn bộ dữ liệu thu thập, điều tra TNN; Tổng hợp kết quả điều tra thực địa, xây dựng sơ đồ, biểu mẫu thống kê và khai thác dữ liệu.

            Năm 2023, Liên đoàn đã tổ chức ứng dụng bộ phần mềm trên hoàn thành điều tra TNN ngoài thực địa cho các vùng thuộc tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An với diện tích 5.142km2.

            Từ sản phẩm điều tra đánh giá năm 2023 cho thấy, bộ phần mềm được phát triển đã đáp ứng các yêu cầu để thực hiện hỗ trợ tối đa cho điều tra đánh giá, chuyển đổi số từ nguồn. Với thành công này, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều tra TNN của Liên đoàn đã thành công bước đầu; các sản phẩm dạng số đã thay thế được sản phẩm truyền thống; tạo thuận lợi cho khai thác và là dữ liệu quan trọng để các cơ quan quản lý tổ chức cập nhật, ra quyết định. Các tính năng của bộ phần mềm khi được hoàn chỉnh có thể được ứng dụng để triển khai ở các LVS khác.