Sự cần thiết của việc Quan trắc môi trường nước dưới đất trong thời buổi hiện nay

Quan trắc môi trường nói chung và quan trắc môi trường nước dưới đất nói riêng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Quan trắc môi trường là công cụ để theo dõi, kiểm soát chất lượng môi trường, kiểm soát ô nhiễm, đồng thời cũng là cơ sở thông tin dữ liệu cho công nghệ môi trường và là mắt xích vô cùng quan trọng trong việc đánh giá chất lượng môi trường.

Hiện nay, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý vận hành mạng hàng năm. Kết quả quan trắc nhiều năm cho thấy  mực nước dưới đất đang sụt giảm mạnh và hiện tượng suy giảm chất lượng nước cũng khá rõ, đặc biệt là ô nhiễm Asen, các hợp chất Nitơ, vật chất hữu cơ ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,  Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Với các vùng đô thị miền Trung, nước dưới đất được khai thác ở độ sâu khoảng 10 – 25m, lớp phủ bề mặt mỏng nên dễ bị ô nhiễm. Qua kết quả khảo sát trước đó, phần lớn các nguồn nước này đều bị nhiễm vi sinh và một số chỉ tiêu vi lượng vượt mức cho phép nhiều lần. Đáng quan ngại là tình trạng xuất hiện hàm lượng Thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép có nguyên nhân từ quá trình khai khoáng, sản xuất công nghiệp và phân bón.

Ảnh minh họa

Các hiện tượng trên là hệ quả của một loạt các tác động từ sự gia tăng dân số và áp lực phát triển kinh tế dẫn đến việc khai thác quá mức nước dưới đất và xả thải ra môi trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự tác động của biến đổi khí hậu, khi mà nước biển xâm lấn gây hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong các tầng chứa nước gây ô nhiễm và suy giảm chất lượng nước dưới đất cũng như nước mặt của các vùng ven biển và đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Do còn hạn chế về nguồn lực tài chính, hệ thống quan trắc môi trường nước dưới đất ở cấp quốc gia và địa phương dù được đầu tư nhưng vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để có thể kịp thời theo dõi, giám sát liên tục hiện trạng và diễn biến chất lượng nước dưới đất; các điểm quan trắc, thông số và tần suất quan trắc định kỳ cũng chưa được thực hiện đầy đủ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Chính việc thiếu thông tin quan trắc môi trường nước dưới đất đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các công tác điều tra, giám sát, đánh giá, cảnh báo, dự báo nguy cơ nhiễm bẩn, cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất, hệ quả là gây khó khăn trong công tác quản lý, lập quy hoạch khai thác sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Vì vậy, trong những năm qua, công tác quan trắc môi trường ở nước ta đã được quan tâm, chú trọng thực hiện và phát triển khá mạnh mẽ. Minh chứng cho điều này có thể kể đến các Luật, Nghị định, Quyết định liên quan sau đây:

– Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, tại khoản 1 Điều 10 quy định rõ Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.

– Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Trong Điều 3: lập quy hoạch bảo vệ môi trường đã chỉ rõ định hướng cho việc lập quy hoạch và thực hiện công tác quy hoạch hệ thống quan trắc và giám sát môi trường.

– Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Trong Điều 1, mục III, quy định giải pháp tổng thể trong chiến lược bảo vệ môi trường là: Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, khẩn trương củng cố, hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, từng bước đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tăng cường năng lực quan trắc, phân tích môi trường, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và ở các ngành, các cấp; cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.

– Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2024 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao; tăng cường tính liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; bảo đảm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu về cung cấp, công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo, dự báo môi trường. Đối với mạng lưới quan trắc nước dưới đất: thực hiện quan trắc tại các khu vực đông dân cư, khu vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.

– Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trong Điều 1, mục I, khoản 5. Quyết định đã chỉ rõ: Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương; lồng ghép tối đa với các lĩnh vực khác có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước, khi tượng thủy văn, môi trường nước; kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó lấy mạng quan trắc thủy văn là nòng cốt; Điều 1, mục IV, khoản 1, ý a) quy định: Xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia; hệ thống cảnh báo, dự báo tài nguyên nước.

Việc quan trắc và phân tích mẫu chỉ thực sự có ý nghĩa khi cung cấp được thông tin, đánh giá được hiện trạng và phục vụ được cho yêu cầu của quản lý và cộng đồng.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ Môi trường của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 1 năm 2022 trong đó có Điều 100 và Điều 102 quy định việc Cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan quản lý thông tin môi trường và Công khai thông tin môi trường để lập các Báo cáo đánh giá chất lượng môi trường nước dưới đất để cung cấp thông tin môi trường kịp thời và công khai thông tin môi trường. Vì vậy, Trung tâm Quy hoạch điều tra tài nguyên nước quốc gia sau khi tổng hợp kết quả lấy và phân tích mẫu nước dưới đất trên toàn quốc theo 4 đợt, cần xây dựng các Báo cáo nhanh chất lượng môi trường nước dưới đất nhằm đánh giá và cung cấp thông tin nhanh về chất lượng môi trường nước dưới đất của từng khu vực để phù hợp với chức năng thực hiện của Trung tâm QHĐTTNNQG và Đơn vị phối hợp là Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cung cấp cho Cục Quản lý tài nguyên nước quản lý theo từng vùng miền và lưu vực sông, để cung cấp thông tin môi trường kịp thời và công khai thông tin môi trường.

Như vậy, việc xây dựng Nhiệm vụ “Quan trắc môi trường nước dưới đất” là rất có ý nghĩa và cần thiết, là căn cứ để nâng cấp, hoàn thiện, duy trì hệ thống mạng quan trắc và đặc biệt là để lập báo cáo cung cấp thông tin, lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề môi trường nước dưới đất phục vụ cấp quản lý và cộng đồng với những thông tin cần thiết cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường nước dưới đất trên cả nước.