Đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn II thực hiện trên phạm vi 8 tỉnh, thành phố, phân bố ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, ngoài ra đây là các vùng có mật độ dân cư cao. Vì vậy quá trình thi công đề án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để đề án có tính hiệu quả cao cần phải phân tích, đánh giá đầy đủ những khó khăn, thuận lợi, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục những khó khăn và tận dụng những thuận lợi để triển khai đề án một cách nhanh chóng, hoàn thành mục tiêu đề ra và đáp ứng đầy đủ tính kinh tế kỹ thuật của đề án.
Đánh giá hiệu quả kinh tế – tài chính
Vùng triển khai đề án là các đô thị lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nên giá thành đầu tư theo quy phạm sẽ rất cao. Để đạt hiệu quả kinh tế, giảm giá thành thực hiện cần thiết lựa chọn một số giải pháp cụ thể sau:
– Kế thừa kết quả nghiên cứu có trước: thu thập đã đầy đủ kết quả nghiên cứu hiện có trong vùng để lựa chọn phương pháp nghiên cứu và triển khai Đề án tối ưu.
– Kế thừa các nghiên cứu đang thực hiện: Một số Đề án đang thực hiện cũng được xem xét kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu khối lượng thiết kế trùng lặp và kế thừa kết quả sau khi hoàn thành.
– Bố trí các công trình thi công phù hợp với điều kiện tự nhiên, giảm thiểu khối lượng thiết kế dư thừa kém hiệu quả (chiều sâu, đường kính lỗ khoan. điều kiện để khai thác sử dụng…)
Đánh giá hiệu quả về xã hội
Hiệu quả về xã hội thực tiễn nhất mà Đề án mang lại cho các địa phương là xây dựng bản đồ vùng hạn chế khai thác, có hệ thống kiểm soát chất lượng và trữ lượng nước dưới đất trong quá trình khai thác.
Đánh giá tác động đối với môi trường
Hoạt động của đề án phần lớn không có ảnh hưởng đến môi trường. Những ảnh hưởng nếu có chỉ mang tính nhất thời trong quá trình thi công. Và chỉ xảy ra với những trường hợp sau:
* Các công trình khoan
– Đối với những lỗ khoan thi công nằm kề ranh mặn sẽ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mặn (thấm xuyên và từ bên sườn) do đó cần trong quá trình thực hiện, cần thiết phải có đội ngũ kỹ thuật lành nghề, thiết bị công nghệ tốt và quy trình công nghệ hợp lý.
– Các lỗ khoan không đạt yêu cầu về chất lượng thì phải tiến hành ngay phương án trám lấp theo đúng quy định hiện hành.
* Các công trình bơm, hút nước
Trong quá trình nghiên cứu có những lỗ khoan gặp nước lợ hoặc mặn, quá trình bơm thổi rửa hoặc thí nghiệm sẽ là ảnh hưởng đến cây trồng và các dòng nước mặt chung quanh. Cần thiết phải có quy trình thu gom xử lý triệt để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực.
Đánh giá tính bền vững của Đề án
– Kết quả của Đề án là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên nước dưới đất và phát triển đô thị.
– Cung cấp thông tin dữ liệu cho các ngành kinh tế – xã hội liên quan đến khai thác sử dụng tài nguyên nước.
– Dư án sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu của tài nguyên môi trường và sử dụng lâu dài chung trong cộng đồng, giúp định hướng các công tác quan trắc và giám sát chất lượng và trữ lượng nước dưới đất ở các đô thị lớn.
– Đề án hoàn thành ngoài việc chỉ ra những vùng có khả năng bổ cập, những khu vực tầng chứa nước có khả năng tự bảo vệ, những khu vực dễ bị tổn thương và xây dựng bộ bản đồ chuẩn xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác. Đây là những cơ sở rất quan trọng cho công tác Quản lý nhà nước về tài nguyên nước dới đất ở các đô thị lớn.
Các kết quả của Đề án góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật đồng thời là nguồn tài liệu phong phú cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tiếp theo.
Khả năng rủi ro của Đề án
Trường hợp Đề án triển khai kéo dài thời gian sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định do sự biến động về kinh tế – xã hội.
– Sự biến động tiền lương, trượt giá và những thay đổi mới của cơ chế … sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tiến độ thực hiện Đề án.
– Chủ trương và chính sách xã hội của các địa phương thay đổi cũng sẽ là rào cản trong việc thực hiện Đề án.
– Vì nhiều lý do, kinh phí cấp theo tiến độ hàng năm thường không phù hợp với từng giai đoạn thực hiện của đề án dẫn đến Đề án sẽ kéo dài hơn.
– Trong quá trình thi công có thể sẽ có phát sinh những vấn đề chuyên môn nằm ngoài dự kiến của Đề án do các điều kiện tự nhiên của khu vực. Đối với những trường hợp này cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất kịp thời để đưa ra phương hướng giải quyết hiệu quả nhất.
Tóm lại, kết quả nghiên cứu của đề án là đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, giúp quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Tính hiệu quả của đề án không chỉ dựa vào việc đánh giá hiệu quả về kinh tế – xã hội mà còn cần phải xem xét đến đặc tính sử dụng nước từng vùng, phát huy các khả năng tăng hiệu quả sử dụng nước, ý thức của người dân trong sử dụng tài nguyên nước; đánh giá những thay đổi về sự phát triển của xã hội và tiềm năng tài nguyên nước cho các vùng… Những kết quả dự án đạt được là cơ sở để quản lý và triển khai các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo đảm mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước tại địa phương.