Để đánh giá khả năng nguồn nước mặt cho lưu vực sông Sêrêpôk, từ các kết quả tính toán được và đem ra đối chiếu với tiêu chuẩn đánh giá cho từng chỉ số, giúp xem xét đánh giá khả năng nguồn nước mặt cho lưu vực sông này. Với từng loại chỉ số sẽ cho những đánh giá khác nhau về những khía cạnh khác nhau, tuy nhiên tổng hợp tất cả các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số đều giúp đánh giá một cách tổng quan về khả năng nguồn nước mặt cho lưu vực sông.
Chỉ số đầu tiên trong bộ chỉ số đánh giá khả năng nguồn nước mặt được đề cập đến là chỉ số khả năng nguồn nước, từ kết quả tính toán được so với chỉ tiêu đánh giá được đưa ra từ chương trước ta có thể nhận xét về khả năng nguồn nước của lưu vực sông Sêrêpôk như sau: Lưu vực sông Sêrêpôk được chia ra làm 4 tiểu vùng: Ea Hleo, Krong Ana, Krong Nô và dòng chính Sêrêpôk. Trong đó, vào thời điểm hiện tại tiểu vùng Krong Nô và Ea Hleo với chỉ số khả năng nguồn nước nhỏ hơn 500m3/người/năm thể hiện khả năng nguồn nước mặt tại 2 tiểu vùng này có thể thành trở ngại cho sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống tại 2 tiểu vùng này. Trong khi đó, tại dòng chính sông Sêrêpôk, chỉ số khả năng nguồn nước là 1025 m3/người/năm, điều này thể hiện sự thiếu hụt nguồn nước thường xuyên trong năm tại vùng này. Tiểu vùng có chỉ số khả năng nguồn nước ở mức cao nhất trong 4 tiểu vùng ở lưu vực sông Sreppok là tiểu vùng Krong Ana với 3115 m3/người/năm, là một trong những tiểu vùng có khả năng nguồn nước lớn nhất trong cả lưu vực sông, khả năng thiếu nước tại đây không thường xuyên, nếu có xảy ra chỉ mang tính chất cục bộ. Hơn thế nữa, vào năm 2020, với dự kiến tổng dân số trên toàn lưu vực gia tăng, dẫn đến các chí số khả năng nguồn nước cũng thay đổi. Vào năm 2020, tiểu vùng có chỉ số cao nhất vẫn là tiểu vùng Krong Ana với 2076m3/người, khả năng thiếu nước xảy ra bất thường và cục bộ, tại 2 tiểu vùng Krong Nô và Ea Hleo chỉ số đều ở mức thấp dưới 500m3/người, khả năng nguồn nước tại 2 tiểu vùng này thiếu nghiêm trọng, gây ra các trở ngại cho việc ăn uống, sinh hoạt của người dân tiểu vùng này, tại dòng chính lưu vực sông Sêrêpôk, với chỉ số tính được là 683m3/người, điều này thể hiện nguồn nước trong tình trạng thiếu hụt và là hạn chế cho sự phát triển kinh tế của tiểu vùng.
Chỉ số thứ hai được tính toán trong bộ chỉ số là chỉ số khả năng nguồn nước mùa khô, chỉ số khả năng nguồn nước mùa khô thể hiện khả năng hỗ trợ dân cư trong mùa khô. Từ kết quả tính toán được so với chỉ tiêu đánh giá được đưa ra từ chương trước ta có thể nhận xét về khả năng nguồn nước của lưu vực sông Sêrêpôk như sau. Vào thời điểm hiện tại, tiểu vùng có chỉ số khả năng nguồn nước mùa khô lớn nhất là tiểu vùng Krong Ana với 625m3/người, tuy nhiên với mức này tiểu vùng vẫn bị coi là khan hiếm nguồn nước trong mùa khô. Mặt khác, 3 tiểu vùng còn lại là Krong Nô, Ea Hleo và dòng chính sông Sêrêpôk với chỉ số khả năng nguồn nước mùa khô rất thấp, đều dưới mức thấp nhất, điều này nói lên rằng, vào mùa khô, khả năng nguồn nước mặt tại 3 tiểu vùng này có ảnh hường nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân sống tại 3 đây. Hơn thế nữa, vào năm 2020 với dự kiến tổng số dân trên toàn lưu vực tăng lên đáng kể, dẫn đến chỉ số khả năng nguồn nước mùa khô tại toàn bộ 4 tiểu vùng trên lưu vực sông Sêrêpôk đều trong tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trên toàn lưu vực. Nhìn chung lại, vào mùa khô, khả năng cung cấp nguồn nước mặt cho lưu vực sông Sêrêpôk là khó khăn, hiện tượng thiếu nước xảy ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hường không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như sự phát triển kinh tế của vùng.
Chỉ số thứ ba trong bộ chỉ số đánh giá khả năng nguồn nước là chỉ số biến động nguồn nước. Theo kết quả tính toán hệ số biến động tài nguyên nước của lưu vực khá cao. Ngay trên dòng chính là 0,44, rõ ràng là tài nguyên nước trên lưu vực có sự biến động lớn và thiếu tính ổn định điều này gây khó khăn cho việc xác định lượng lượng có thể phân bổ (lượng nước có thể sử dụng) trong các kịch bản cho tương lai của bài toán qui hoạch.
Chỉ số khan hiếm nguồn nước là đại lượng phản ánh mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt trong mùa khô của một vùng. Theo kết quả tính toán thì chỉ số khan hiếm năm 2015 trên lưu vực sông là 0,95. Và năm 2020 là 0,97. Như vậy chỉ trong 5 năm (chỉ xét đến sự thay đổi của dân số, chưa xét đến trường hợp suy thoái nguồn nước) chỉ số khan hiếm nguồn nước của lưu vực nghiên cứu đã tăng 0,02. Chỉ số khan hiếm nguồn nước cao hơn 0,9 cho thấy đây là khu vực có mức căng thẳng cao về tài nguyên nước.
Chỉ số sức ép khai thác và sử dụng tài nguyên nước: là chỉ số phản ảnh tỷ lệ lượng nước cần sử dụng trên tổng lượng nước có thể sử dụng. Với chỉ số tính toán được cho năm 2015 là 0,23 cho thấy trên lưu vực đang có sức ép đáng kể về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, được cho là có sức ép cao trong sử dụng tài nguyên nước. Nhưng trong 4 năm tới, năm 2020 tỷ số này là 0,27 cho thấy bắt đầu có áp lực cao về khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực.
Chỉ số thiếu hụt tài nguyên nước là chỉ số phản ánh tổng lượng thiếu hụt lượng nước có thể sử dụng cho và lượng nước cần thiết đáp ứng cho các ngành dùng nước. Chỉ số này càng lớn thì khả năng đáp ứng tài nguyên nước của lưu vực càng thấp, nguy cơ suy thoái nguồn nước càng lớn. Chỉ số này giúp cho các nhà quy hoạch xác định đc lượng nước cần điều tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Nó quyết định đến các phương án phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp.
Sau khi tính toán các chỉ số đánh giá khả năng nguồn nước của lưu vực sông Sêrêpôk, thấy rằng lưu vực sông phân bố dòng chảy không đồng đều theo không gian và thời gian. Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên lưu vực sông, đòi hỏi nhu cầu cấp nước gia tăng, gây nên không đủ đáp ứng nhu cầu dùng nước cho các mục đích khai thác trên lưu vực, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước mặt trên lưu vực sông. Tình trạng này cần được giải quyết bằng cách có quy hoạch sử dụng tài nguyên nước cụ thể cho lưu vực sông Sêrêpôk.