Tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, nguồn nước dưới đất được khai thác mạnh mẽ ở nhiều khu vực, theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng trăm triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước dưới đất. Hầu hết nước dưới đất được khai thác từ các công trình khai thác nằm trong phạm vi của đô thị hoặc vùng phụ cận. Chỉ tính riêng thành phố Hà nội hiện đang khai thác khoảng 800.000m3/ngày (khoảng 300 triệu m3/năm ); thành phố Hồ Chí Minh khai thác khoảng 500.000m3/ngày (khoảng 200 triệu m3/năm). Các đô thị khu vực đồng bằng Nam bộ hiện đang khai thác khoảng gần 300.000m3/ngày (110 triệu m3/năm ). Quá trình khai thác nước, đô thị hóa, đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất, như: cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, sụt lún mặt đất, ô nhiễm nguồn nước dưới đất, gia tăng quá trình nhiễm mặn nước dưới đất.
Trước những hậu quả to lớn do việc khai thác nước dưới đất tràn lan, thiếu kiểm soát gây ra, việc khoanh định, xác lập các khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực được phép khai thác nước là rất quan trọng và cấp bách.
Trong những năm gần đây công tác bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng đã được hiện thực hóa trong nhiều luật, thông tư, nghị định, quyết định như Luật Tài nguyên nước Ngày 21 tháng 6 năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đã đề cập trực tiếp đến việc hạn chế khai thác nước dưới đất tại khoản4, khoản 5 Điều 52. Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tuy nhiên, các thông tư, quyết định này chỉ dừng lại ở mức độ quy định về phạm vi khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên cơ sở hiện trạng khai thác và hiện trạng tài nguyên nước khu vực mà không có những hướng dẫn cụ thể về triển khai công tác điều tra, xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, do đó thực tế triển khai các công tác điều tra đánh giá vùng cấm vùng hạn chế khai thác nước dưới đất chủ yếu vận dụng các định mức, quy định của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất do đó dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; thừa những dạng điều tra không cần thiết, thiếu những thí nghiệm chuyên môn quan trọng và cần thiết để đánh giá các chỉ số trữ lượng, chất lượng để khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Những vướng mắc ở trên cho thấy việc áp dụng những thông tư điều tra đánh giá đơn thuần về hiện trạng khai thác tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước vào một lĩnh vực chuyện môn đặc thù như khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất là có phần khiên cưỡng. Do đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng một quy trình chuẩn trong điều tra đánh giá khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm tính đúng, tính đủ các dạng công tác cần thực hiện ngoài thực địa cũng như trong phòng. Vì vậy việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng Quy định kỹ thuật điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” là rất cần thiết. Kết quả thực hiện đề tài sẽ là bộ công cụ hữu ích giúp các nhà quản lý cũng như chuyên môn có được nội dung, trình tự và phương pháp điều tra, đánh giá, tổng thể và toàn diện khi thẩm định và triển khai thực hiện công tác khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất tại Việt Nam.