Dự án “Xây dựng mới 66 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 3012/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2020, với mục tiêu thực hiện quan trắc và kiểm soát thông tin tài nguyên nước tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; kịp thời dự báo cảnh báo tài nguyên nước dưới đất tại khu vực, phục vụ cho công tác quản lý.
Dự án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc làm chủ đầu tư, thực hiện trên phạm vi các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, từ năm 2021 đến năm 2023 bằng nguồn ngân sách Trung ương.
Đánh giá tác động môi trường của dự án là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động dự án đến môi trường xung quanh. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường.
Các hoạt động trong giai đoạn xây dựng dự án đều có ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí. Trong đó, các dạng công tác đo địa vật lý, khoan, bơm nước thí nghiệm, xây dựng công trình bảo vệ,… do có sự hoạt động của các máy móc, thiết bị và lực lượng lao động nên sẽ có những tác động tới môi trường xung quanh, cụ thể:
– Thi công xây dựng các lỗ khoan quan trắc: có các tác động đến môi trường như tác động tới các địa tầng địa chất trong quá trình khoan, kết cấu lỗ, bơm thổi rửa, bơm nước thí nghiệm; rác thải sinh hoạt của công nhân tham gia thi công, tiếng ồn, khí thải từ máy công tác (máy khoan, máy bơm, máy phát điện,…).
– Thi công xây dựng công trình bảo vệ: có các tác động đến môi trường như ô nhiễm môi trường khí, nước, đất: nước thải, bụi bẩn từ các vật liệu xây dựng; tiếng ồn và khí thải từ máy công tác; rác thải sinh hoạt của công nhân tham gia thi công.
Đánh giá các tác động khi thi công các công trình của dự án đến môi trường
Đối với môi trường nước, đất:
Khi khoan có sử dụng một lượng nước để làm dung dịch khoan và trong khi bơm thí nghiệm, nước từ lỗ khoan sẽ thải ra môi trường xung quanh (kênh, mương, ao, hồ) một lượng nước nhất định. Tuy nhiên, lượng nước này thường không lớn và có chất lượng, nên ít gây ra các tác động xấu đến nguồn nước.
Thiết bị, máy móc khi thi công khoan, bơm nước thí nghiệm, dầu mỡ có thể bị rò rỉ làm ảnh hưởng đến môi trường đất và nước xung quanh. Tuy nhiên lượng dầu mỡ sử dụng không nhiều, thời gian thi công ngắn, nên khả năng ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường đất và nước là không đáng kể.
Lực lượng thi công tại một điểm công trình thường ít (< 10 người) và thời gian thi công ngắn, nên lượng chất thải rắn lỏng không nhiều, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh.
Đối với môi trường không khí:
Do ở đây chủ yếu sử dụng máy khoan vận hành bằng động cơ Diezel nên gây ra tiếng ồn đáng kể, có sự phát thải khí thải vào không khí. Tuy nhiên thời gian triển khai công tác này không dài, chỉ có ít máy vận hành và thời gian vận hành chủ yếu là ban ngày, giờ hành chính do đó mức độ ảnh hưởng là không đáng kể.
Các biện pháp giảm thiểu
Giảm khả năng ô nhiễm môi trường nước
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước là vấn đề đáng quan tâm nhất, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
Không cho máy móc, dụng cụ chuyên dụng được rửa tại các nguồn nước hoặc khu vực chảy xuống nguồn nước, các hồ, mương hiện tại của khu vực thi công. Đảm bảo việc thoát nước từ công trình thi công không tồn đọng trực tiếp ở các nguồn nước; các kênh, mương hiện tại.
Tất cả nước thải phát sinh trong thi công sẽ được tập hợp đưa khỏi hiện trường thông qua một hệ thống thoát nước tạm thời được thiết kế phù hợp và được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Vật liệu thải trong quá trình xây dựng bảo vệ và rác thải sinh hoạt được thu gom và tập kết đúng nơi quy định của địa phương hoặc được chôn lấp theo quy định.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn
– Sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại để hạn chế phát thải các khí thải độc hại ra môi trường, hạn chế tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực. Không thi công vào ban đêm và giờ nghỉ trưa của người dân xung quanh.
– Máy móc thiết bị phải được bảo dưỡng trước khi thi công; các động cơ điện lắp trên các bệ móng có lò so, đệm cao su giảm chấn.
Như vậy, việc đánh giá tác động của dự án tới môi trường đóng vai trò rất quan trọng, giúp đơn vị thực hiện dự án đưa ra giải pháp hiệu quả để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án tới môi trường trong thời gian thi công và sau thi công.
Dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước nói chung. Việc xây dựng các công trình quan trắc cùng với việc trang bị các thiết bị quan trắc hiện đại từ dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng tài liệu quan trắc, đáp ứng được việc cung cấp số liệu, thông tin điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường và phát triển kinh tế – xã hội của khu vực quan trắc. Đáp ứng không nhỏ về mặt kinh tế cho nhân dân định cư, cũng như các lực lượng an ninh – quốc phòng đóng tại các vùng khô hạn, xâm nhập mặn thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.