Một số kết quả nổi bật của Dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững”

Dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023. Dự án được xây dựng với mục tiêu đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh gồm hai hệ thống sông lớn là sông Kôn và sông Hà Thanh, có tổng diện tích là 3.809km2, phần lớn nằm trên địa bản tỉnh Bình Định. Vùng nghiên cứu nằm gọn ở bên sườn đông của dãy Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Bình Định, địa hình hạ thấp đột ngột, từ vùng núi chuyển xuống vùng đồng bằng, không có khu đệm chuyển tiếp. Với dạng địa hình này khi có lũ nước tập trung nhanh, thời gian tập trung ngắn. Địa hình lưu vực sông Kôn – Hà Thanh có 2 dạng: địa hình vùng núi và địa hình vùng đồng bằng. Khí hậu tại Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh là dạng khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa. Do sự phức tạp của địa hình nên gió mùa khi vào đất liền đã thay đổi hướng và cường độ khá nhiều.

Sơ đồ vị trí địa lý khu vực nghiên cứu

Nhìn chung cư dân ở lưu vực sông Kôn – Hà Thanh phân bố chủ yếu về phía hạ lưu, tập trung chính là các trung tâm của các huyện, thành phố của tỉnh Bình Định. Đến năm 2022, lưu vực sông này có dân số đạt 926.678 người, mật độ trung bình khoảng 243,3 người/km2. Trên lưu cực hiện có 04 dân tộc chính đang sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiến 80%, Chăm 3,9%, BaNa 5%, Hrê 4,5% và các dân tộc khác chiếm tỷ lệ nhỏ.

Theo báo cáo, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước tăng 8,57%, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 70,7 triệu đồng/người, tăng 11,59%. Trong thời gian tới, cùng với định hướng phát triển kinh tế xã hội, việc thực hiện dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” rất có ý nghĩa và đặc biệt cần thiết, là căn cứ phục vụ công tác quản lý, cấp phép, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực.

Dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023. Toàn bộ khối lượng của Dự án đã được đơn vị thi công là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Trung triển khai một cách đầy đủ, đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật và các quy định hiện hành, đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Dự án. Một số kết quả đạt được của Dự án như sau:

1. Đã tiến hành thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu có liên quan. Thông tin, dữ liệu
sau khi được thu thập đã được tổng hợp, phân tích, đánh giá phục vụ triển khai thi công điều tra, đo đạc bổ sung và thực hiện các dạng công tác nội nghiệp, tính toán, đánh giá của dự án. Cụ thể có tổng số 65 danh mục, thuộc 9 nhóm tài liệu gồm các báo cáo, các bản đồ, các danh mục nguồn thải, số liệu về quan trắc số lượng và chất lượng nước, vv… liên quan đến dự án đã được thu thập. Các tài liệu thu thập đã được tổng hợp, phân loại và đánh giá theo từng nhóm tài liệu thu thập.

2. Đã tiến hành đầy đủ các dạng công tác điều tra, đo đạc bổ sung, gồm: điều tra
hiện trạng nguồn thải, nguồn tiếp nhận; lấy và phân tích mẫu nước; đo lưu lượng dòng chảy phục vụ xác định dòng chảy nhỏ nhất ứng với tải lượng tối đa thông số nước mặt. Kết điều tra cùng với tài liệu thu thập đã được tổng hợp, chỉnh lý để làm rõ các đặc điểm về hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước và diễn biến số lượng (lưu lượng), chất lượng nguồn tiếp nhận; diến biến tải lượng (có sẵn và tải lượng nguồn thải) theo các đoạn sông đánh giá trên toàn bộ hệ thống sông.

3. Về sức chịu tải: Phương pháp tính toán khả năng tiếp nhận, sức chịu tải đã thực hiện tuân theo hướng dẫn tại thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và hướng dẫn của Tổng cục môi trường tại Quyết định số 154/QĐ-TCMT. Khả năng tiếp nhận, sức chịu tải đã được đánh giá cho tổng cộng 19 đoạn sông và phân đoạn sông. Trong đó, 07 đoạn sông đánh giá bằng phương pháp trực tiếp, 10 đoạn/phân đoạn đánh giá bằng phương pháp gián tiếp và 02 đoạn sông ảnh hưởng triều đánh giá bằng phương pháp mô hình. Kết quả tính toán sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải đối với từng thông số ô nhiễm và theo từng đoạn sông/phân đoạn sông như sau:

+ Đối với thông số TP có 09/19 đoạn sông/phân đoạn còn KNTN;

+ Đối với thông số TN có 0/19 đoạn sông/phân đoạn còn KNTN;

+ Đối với thông số NH4+ có 12/19 đoạn sông/phân đoạn còn KNTN;

+ Đối với thông số BOD5 có 16/19 đoạn sông/phân đoạn còn KNTN;

+ Đối với thông số COD có 16/19 đoạn sông/phân đoạn còn KNTN.

Kết quả tính toán cho thấy rất nhiều đoạn/phân đoạn sông đã không còn khả năng tiếp nhận nước thải đối với nhiều thông số. Đặc biệt là đối với thông số TN, kết quả cho thấy toàn bộ 19/19 đoạn sông/phân đoạn sông đã hết khả năng tiếp nhận. Trong đó, một phần của kết quả này được nhận định là do nồng độ cho phép của thông số này được quy định trong QCVN 08:2023/BTNMT là quá ngặt nghèo. Việc tính toán bằng phương pháp gián tiếp theo hướng dẫn tại thông tư số 02/2022/TT-BTNMT có tính đến nguồn điểm vào nguồn diện. Tuy nhiên, trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh chưa có một nghiên cứu chuyên sâu và công bố nào về hệ số phát thải cho một số loại hình xả thải nguồn diện. Trong dự án này, hệ số phát thải được tính theo phương pháp cân bằng vật chất và bằng phương pháp thử dần. Các hệ số phát thải này được đề xuất cho từng loại hình và từng tiểu lưu vực tính toán. Đây là cách tiếp cận phù hợp, cho phép đánh giá đúng và thu được kết quả phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực nghiên cứu.

4. Về kế hoạch quản lý môi trường nước mặt

Kế hoạch quản lý môi trường nước mặt lưu vực sông Kôn – Hà Thanh đã được lập theo các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan (Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt ban hành kèm theo Công văn số 1068/BTNMT-KSONMT ngày 24 tháng 02 năm 2023  của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường). Thông tin, dữ liệu phục vụ tính toán, đánh giá, đề xuất các nội dung của Kế hoạch quản lý môi trường nước mặt có được từ kết quả các dạng công tác đã thực hiện của dự án (gồm cả thông tin, dữ liệu được thu thập).