Việt Nam là một quốc gia biển với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, đường bờ biển dài 3.260km, có tổng diện tích khoảng 17.000km2, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc phòng của nước ta. Trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước thì vai trò kinh tế biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo suốt tiến trình lịch sử phát triển của đất nước, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển kinh tế biển đảo nói riêng và đất nước nói chung. Đặc biệt hơn là gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Theo xu hướng toàn cầu thì thế kỷ 21 là “Thế kỷ của đại dương”, các quốc gia trên thế giới tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển đảo.
Vì vậy để có thể khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước môi trường biển, hải đảo phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định: Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 47); Quyết định số 1876/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các nhiệm vụ, dự án giai đoạn 2013-2020 thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến 2010 tầm nhìn đến năm 2020.
Căn cứ theo các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về việc quản lý tài nguyên – môi trường biển, hải đảo. Năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 2908/QĐ-BTNMT, ngày 16/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí dự án “ Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” thuộc đề án “ Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Căn cứ tiêu chí lựa chọn, Dự án, chọn 15 đảo ưu tiên được bố trí bổ sung nội dung thực hiện để đề xuất được phương án khai thác, sử dụng nước trên các đảo, gồm: Quan Lạn, Hòn Nứt Đất, Thượng Mai, Hạ Mai, Phượng Hoàng, Thắng Lợi (Thẻ Vàng), Đảo Trần, Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh; Cát Bà, thành phố Hải Phòng; Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam; Nhơn Châu (Cù Lao Xanh), tỉnh Bình Định; Hòn Thơm (Quần đảo An Thới), Hòn Đốc (Hòn Tre Lớn II- quần đảo Hà Tiên), Hòn Sơn (Hòn Rái), Nam Du, tỉnh Kiên Giang.
Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia giao thực hiện công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên 4 đảo: Trần, Phượng Hoàng, Nất Đất, Thượng Mai-Hạ Mai. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã hoàn thành toàn bộ các khối lượng theo dự toán được duyệt, đồng thời đã thi công được 11 giếng khoan có thể đáp ứng được mục tiêu của dự án là xây dựng công trình cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân trên các đảo. Dự án đã hoàn thành đạt yêu cầu so với mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt. Cụ thể kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước và hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các đảo như sau:
* Đối với đảo Trần
– Về nước mặt: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt cho thấy: tổng lượng nước mặt tại đảo Trần là 5,89 triệu m3, tuy nhiên do địa hình trên đảo rất dốc, dòng chảy mặt không tồn tại lâu chỉ khoảng 4-5 ngày sau những trận mưa lớn, nước mặt chủ yếu chảy ra biển và bổ cập cho nước dưới đất, sau đó các dòng suối nhỏ lại trở lên cạn kiệt, mất dòng.
– Về nước dưới đất: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho thấy: Tiềm năng nước dưới đất trên đảo trong tầng chứa nước Đệ tứ (q) là 421,6 m3/ngày, trong tầng chứa nước khe nứt Devon dưới (d1) là 571 m3/ngày, trong tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích Ordovic muộn Silur sớm (o3-s1) là 3439 m3/ngày. So với nhu cầu sử dụng nước dưới đất đã được tính toán ở trên nguồn nước dưới đất trên đảo hoàn toàn đáp ứng được theo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nước dưới đất phân bố không đồng đều theo cả diện và chiều sâu đặc biệt trên địa hình đảo, vì vậy khi sử dụng các số liệu này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết để việc quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội sát với thực tế, đạt hiệu quả cao. Dự án đã tiến hành khoan thăm dò 02 lỗ khoan ĐTK1, ĐTK2 trong tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích Ordovic muộn Silur sớm (o3-s1) và 01 lỗ khoan ĐTK3 trong tầng chứa nước khe nứt Devon dưới (d1) với lưu lượng lần lượt 44,1m3/ngày; 51,84 m3/ngày; 103,68 m3/ngày và đã bàn giao cho địa phương quản lý.
* Đối với đảo Phượng Hoàng
– Về nước mặt: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt: tổng lượng nước mặt từ mưa trên đảo Phượng Hoàng khoảng 9,27 triệu m3, tuy nhiên đảo Phượng Hoàng có địa hình trên đảo dốc, dòng chảy mặt không tồn tại lâu chỉ khoảng 4-5 ngày sau những trận mưa lớn, nước mặt chủ yếu chảy ra biển và bổ cập cho nước dưới đất, sau đó các dòng suối nhỏ lại trở lên cạn kiệt, mất dòng, dòng chảy không thường xuyên.
– Về nước dưới đất: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho thấy: Tiềm năng nước dưới đất trên đảo Phượng Hoàng hiện nay vào khoảng 5.336 m3/ngày. So với nhu cầu sử dụng nước dưới đất đã được tính toán ở trên nguồn nước dưới đất trên đảo hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Dự án đã tiến hành khoan thăm dò 3 giếng khoan PH-K1, PH-K2, PH-K3 với lưu lượng khai thác lần lượt là 56,16m3/ngày, 80,35m3/ngày, 112,32m3/ngày và đã được chuyển giao cho địa phương quản lý.
* Đối với đảo Nất Đất
– Về nước mặt: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt: tổng lượng nước mặt từ mưa trên đảo Nất Đất khoảng 1,48 triệu m3, tuy nhiên đảo Nất Đất có diện tích nhỏ, địa hình dốc, dòng chảy mặt không tồn tại lâu chỉ khoảng 2-3 ngày sau những trận mưa lớn, nước mặt chủ yếu chảy ra biển và bổ cập cho nước dưới đất, sau đó các dòng suối nhỏ lại trở lên cạn kiệt, mất dòng, dòng chảy không thường xuyên.
– Về nước dưới đất: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho thấy: Tiềm năng nước dưới đất trên đảo Nất Đất hiện nay vào khoảng 1.188 m3/ngày. So với nhu cầu sử dụng nước dưới đất đã được tính toán ở trên nguồn nước dưới đất trên đảo hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Dự án đã tiến hành khoan thăm dò 02 giếng khoan NĐ-K1, NĐ-K2, với lưu lượng khai thác lần lượt là 77,76m3/ngày, 99,36m3/ngày và đã được chuyển giao cho địa phương quản lý.
* Đối với đảo Thượng Mai – Hạ Mai
– Về nước mặt: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt: tổng lượng nước mặt từ mưa trên đảo Thượng Mai – Hạ Mai khoảng 6,43 triệu m3, tuy nhiên đảo Thượng Mai – Hạ Mai có diện tích nhỏ, hẹp, địa hình dốc, dòng chảy mặt không tồn tại lâu chỉ khoảng 2-3 ngày sau những trận mưa lớn, nước mặt chủ yếu chảy ra biển và bổ cập cho nước dưới đất, sau đó các dòng suối nhỏ lại trở lên cạn kiệt, mất dòng, dòng chảy không thường xuyên.
– Về nước dưới đất: Kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho thấy: Tiềm năng nước dưới đất trên đảo Thượng Mai – Hạ Mai hiện nay vào khoảng 5.059,76 m3/ngày. So với nhu cầu sử dụng nước dưới đất đã được tính toán ở trên nguồn nước dưới đất trên đảo hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Dự án đã tiến hành khoan thăm dò 03 giếng khoan TM-K1,TM-K2, HM-K1 với lưu lượng khai thác lần lượt là 95,04m3/ngày; 64,8 m3/ngày; 44,93 m3/ngày và đã được chuyển giao cho địa phương quản lý.