Dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Hồng – Thái Bình và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” do Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện với mục tiêu đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc Lưu vực sông Hồng – Thái Bình; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Phạm vi Lưu vực sông Hồng – Thái Bình
Lưu vực sông Hồng – Thái Bình nằm ở phía Bắc Việt Nam có diện tích 88.860 km², có vị trí quan trọng trong nền kinh tế – xã hội của nước ta. Lưu vực sông trải rộng qua 25 tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng. Lưu vực sông Hồng – Thái Bình có số dân tính đến năm 2019 vào khoảng 35,1 triệu người (chiếm 36,5% dân số của cả nước), phần lớn tập trung ở đồng bằng sông Hồng – Thái Bình. Bên cạnh đó, lưu vực sông Hồng – Thái Bình đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế. Tất cả đều phát sinh lượng nước thải lớn gây ô nhiễm nguồn nước của lưu vực, một số con sông trên lưu vực đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (sông Ngũ Huyện Khê, suối Phượng Hoàng,…). Trong khi đó, cùng với áp lực tăng dân số và gia tăng sản xuất, nhu cầu nước trên lưu vực tăng lên nhanh chóng. Hiện tại, tổng nhu cầu nước của các ngành trên lưu vực khoảng 25 tỷ m³/năm. Dự báo nhu cầu nước đến năm 2030 sẽ là 38 tỷ m³/năm. Để đáp ứng nhu cầu nước gia tăng, việc cấp thiết cần làm là phải quản lý được chất lượng nước các con sông để đảm bảo cho các mục đích sử dụng. Điều này đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của lưu vực có tầm đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội như lưu vực sông Hồng – Thái Bình.
Như vậy, việc thực hiện dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” rất có ý nghĩa và đặc biệt cần thiết, là căn cứ phục vụ công tác quản lý, cấp phép, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực Bắc Bộ.
Dự án được thực hiện từ năm 2021, đến năm 2023 đã hoàn thành khối lượng các hạng mục theo đúng nội dung, dự toán được duyệt, các nội dung thực hiện phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra của Dự án. Một số kết quả đạt được của dự án như sau:
+ Về hiện trạng nguồn thải: Kết quả điều tra khảo sát của dự án đã tiến hành điều tra khảo sát được 2235 điểm xả nước thải, gồm các nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ.
+ Về việc đánh giá sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình: Kết quả đánh giá cho thấy các sông trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình vẫn còn khả năng tiếp nhận ở các thông số, chỉ riêng 2 đoạn của sông Lô là SLo1 và SLo2 là hết sức chịu tải đối với thông số Nitơ.
+ Kết quả xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình: Đã xác định hạn ngạch xả thải cho từng đoạn sông cũng như kế hoạch giảm thải đối với từng ngành, lĩnh vực.