Trả lời:
Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm và tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng, việc bảo vệ và quản lý tài nguyên nước dưới đất đang trở thành một vấn đề cấp bách đối với các đô thị lớn. Đề án:”Bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn – giai đoạn II” với mục tiêu “Đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất tại các đô thị lớn” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì và các đơn vị trực thuộc Trung tâm thực hiện bao gồm: Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam; Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước; Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước; Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước. Sau đây là nhiệm vụ của đề án đã được thực hiện trong giai đoạn II:
– Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất;
– Điều tra xác định khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất;
– Đánh giá toàn diện về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn đối với từng nguồn nước dưới đất tại các đô thị;
– Xây dựng các phương án và đề xuất lộ trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt;
– Thiết kế mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ;
– Xây dựng các bản đồ tỷ lệ 1:25.000 về: trữ lượng nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất; định hướng khai thác nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác; khoanh vùng bảo vệ miền cấp và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt; các khu vực có khả năng phục hồi nguồn nước và thứ tự ưu tiên; mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất;
– Cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất trên cơ sở kế thừa toàn bộ cấu trúc mô hình cơ sở dữ liệu đã được xây dựng trong giai đoạn I. Cơ sở dữ liệu đảm bảo tính thống nhất với cơ sở dữ liệu mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia và phù hợp với định hướng chung khi xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tài nguyên nước và khí tượng thủy văn;
– Chuyển giao, cài đặt và vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất, bảo đảm kết nối giữa Trung ương với địa phương