Cần có đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực Duyên hải đông nam Bộ

Lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ nằm ở sườn phía Đông – Nam của dãy Trường Sơn, thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Diện tích của các lưu vực sông này bao gồm hầu hết diện tích tự nhiên của các tỉnh duyên hải từ Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu, và một phần diện tích của các tỉnh lân cận phía Tây là Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai. Tổng diện tích lưu vực là khoảng 17.718 km2, chiếm khoảng 15,5% tổng diện tích tự nhiên phần đất liền của Việt Nam. Dân số trong địa bàn lưu vực ước tính khoảng 3,5 triệu người, chiếm khoảng 4% tổng dân số của cả nước.

Sơ đồ vị trí sông, suối được lựa chọn

Dự án "Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực Duyên hải Đông Nam Bộ và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững" được Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung thực hiện có mục tiêu chính là đánh giá và xác định khả năng chịu tải của các sông trong khu vực này. Đây là một phần quan trọng trong việc quản lý tài nguyên nước, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Theo các báo cảo môi trường các tỉnh thuộc lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ giai đoạn 2016-2020 cho thấy nồng độ một số thông số môi trường nước đã vượt nồng độ giới hạn theo các mục đích sử dụng (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), đặc biệt là các thông số TSS, TDS; Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ ra chất lượng nước vượt quy chuẩn nhiều lần ở một số các thông số tại nhiều vị trí trên hệ thống các sông, suối. Đặc biệt là các đoạn sông có mục đích sử dụng nước cho việc cấp nước sinh hoạt (mức A1 và A2), có rất nhiều thông số vượt quy chuẩn (PO43-, NO3, NO2,COD, BOD5, TSS) tại một số thời điểm trong các năm gần đây.

Theo những kết quả nghiên cứu và khảo sát sơ bộ cho thấy nguyên nhân gây ra hiện trạng ô nhiễm trên các lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ chủ yếu từ sinh hoạt, các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi, khu dân cư tập trung vẫn xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt chuẩn xuống hệ thống sông, hồ. Ngoài ra, trên các lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ có rất nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã vận hành ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sinh thủy của lưu vực. Bên cạnh đó tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) trong 30 năm qua, đặc biệt 10 năm gần đây có xu thế ngày càng diễn biến phức tạp, mực nước biển dâng (khoảng 12 – 15 cm trong 30 năm qua) khiến xâm nhập mặn ngày càng xâm nhập sâu vào trong đất liền (1998, 2009, 2016, 2020…), hạn hán và cạn kiệt dòng chảy (1998, 2010, 2016, 2020…), gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng đặc biệt là phần cực Nam của khu vực, thuộc địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chất lượng nước mặt trên các sông, suối, hồ, đầm trong lưu vực nghiên cứu giai đoạn từ năm 2012 đến nay có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái ngày càng trầm trọng.

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhằm bảo vệ nguồn nước, đặc biệt chú trọng vấn đề đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 tại Mục 1, Chương VI (từ Điều 7 đến Điều 9) quy định rõ các nội dung về kiểm soát, đánh giá chất lượng nước; đánh giá khả năng tự làm sạch của sông; đánh giá sức chịu tải của các lưu vực sông; công khai thông tin về chất lượng nước sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường những dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm; kiểm soát, giảm thiểu và xử lý mọi nguồn thải vào lưu vực sông; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường nước sông và tại Khoản 2, Điều 8 quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông.

Khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước được định nghĩa là “là khả năng nguồn nước có thể tiếp nhận thêm một tải lượng chất ô nhiễm nhất định mà vẫn đảm bảo nồng độ chất ô nhiễm trong nguồn nước không vượt quá giá trị giới hạn”. Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu có nêu: “Hạn ngạch xả nước thải được xác định và phân bổ dựa trên sức chịu tải của môi trường nước tương ứng với giai đoạn của quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội” (Khoản 3 – Điều 41), và “Sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải là một trong những căn cứ phục vụ lập hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho các dự án” (Khoản 3 – Điều 41).

            Vì vậy, cùng với việc phát triển kinh tế – xã hội là quá trình gia tăng các nguồn xả thải vào nguồn nước của lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ, qua đó đặt nguồn nước của hệ thống sông này trước nguy cơ cao về ô nhiễm. Vì vậy, việc thực hiện dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh thuộc các lưu vực các sông Duyên hải Đông Nam Bộ và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” là rất có ý nghĩa và đặc biệt cần thiết. Việc này không chỉ giúp tính toán được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải và đưa ra được định mức xả thải cho từng đoạn sông, từng lưu vực sông – là căn cứ phục vụ thành lập khung pháp lý, công tác quản lý, cấp phép, bảo vệ và quy hoạch tài nguyên nước. Đồng thời cũng là căn cứ quan trọng giúp giải quyết mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững các tỉnh trong lưu vực sông.