Quan trắc môi trường, đặc biệt là quan trắc môi trường nước dưới đất, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Công tác này không chỉ giúp theo dõi, kiểm soát chất lượng môi trường và kiểm soát ô nhiễm, mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho công nghệ môi trường và đánh giá chất lượng môi trường.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, môi trường nước dưới đất đang bị đe dọa không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Đặc biệt, các khu vực đô thị lớn và ven biển đang chịu áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Theo Tổng cục Môi trường, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chứng kiến mức độ ô nhiễm nước dưới đất ngày càng tăng, với các chỉ số như hàm lượng amoni, asen, và vật chất hữu cơ vượt xa mức cho phép.
Nhiệm vụ:"Quan trắc tài nguyên nước dưới đất 2023" được Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện tại các vùng quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên nước bao gồm: Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ngoài ra nhiệm vụ cũng quan trắc đánh giá chất lượng nước trên 13 lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Hương, gianh – Nhật Lệ, Thạch Hãn, Vu gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, Sê San, SrêPốk, Đồng Nai, Cửu Long, đã cho thấy mực nước dưới đất giảm mạnh và chất lượng nước suy giảm rõ rệt. Các khu vực như Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm asen và các hợp chất nitơ.
Năm 2023, nhiệm vụ đã thực hiện quan trắc với số lượng mẫu theo kế hoạch và tiến độ đề ra. Do vậy, tính hoàn thiện của số liệu đã được đảm bảo, số liệu quan trắc bảo đảm nhu cầu cung cấp và sử dụng thông tin. Sau đây là một số thông số nổi bật trong quá trình quan trắc thực hiện nhiệm vụ:
Thông số tổng N: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy hàm lượng tổng N tại lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai cao hơn so với các lưu vực sông khác như Cả, Mã,Gianh – Nhật Lệ, Thạch Hãn, Hương, Ba, Sê San, Srêpốk. Hiện tại trong QCVN về chất lượng nước dưới đất chưa quy định giới hạn cho phép hàm lượng của thông số tổng N, tuy nhiên tại các lưu vực sông cũng có những công trình hàm lượng tổng N gấp gần chục lần giá trị trung bình tính trên toàn lưu vực quan trắc.
Thông số tổng P: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy hàm lượng tổng P tại lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai cao hơn so với các lưu vực sông khác như Cả, Mã, Gianh – Nhật Lệ, Thạch Hãn, Hương, Ba, Sê San, Srêpốk. Hiện tại trong QCVN về chất lượng nước dưới đất chưa quy định giới hạn cho phép hàm lượng của thông số tổng N, tuy nhiên tại các lưu vực sông cũng có những công trình hàm lượng tổng N gấp gần chục lần giá trị trung bình tính trên toàn lưu vực quan trắc
Thông số Tổng dầu, mỡ: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy hàm lượng tổng dầu, mỡ tại các lưu vực sông không có sự khác biệt. Hiện tại trong QCVN về chất lượng nước dưới đất chưa quy định giới hạn cho phép hàm lượng của thông số tổng dầu, mỡ. Tuy nhiên từ kết quả quan trắc cho thấy khoảng hơn 50% các lỗ khoan đều không phát hiện thấy hàm lượng tổng dầu, mỡ và các lỗ khoan còn lại chỉ có giá trị trung bình là 0,35mg/l. Giá trị trung bình ở gần mức với giới hạn phát hiện của phương pháp phân tích (0,3mg/l).
Thông số E.Coli: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy hầu hết hàm lượng E.Coli đều cho kết quả Không phát hiện (chiếm khoảng 80%), tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm quan trắc có hàm lượng E.Coli vượt Quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân hàm lượng E.Coli vượt quy chuẩn có thể do nước tại các lỗ khoan quan trắc lưu cữu lâu ngày và bị ảnh hưởng từ nước mặt, nước thải dẫn đến phát sinh vi khuẩn.
Thông số Coliform:Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy hàm lượng Coliform đều cho kết quả Không phát hiện (chiếm khoảng 50%), tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm quan trắc có hàm lượng Coliform vượt Quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân hàm lượng Coliform vượt quy chuẩn có thể do nước tại các lỗ khoan quan trắc lưu cữu lâu ngày và bị ảnh hưởng từ nước mặt, nước thải dẫn đến phát sinh vi khuẩn.
Thông số tổng Phenol: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy tại tất cả các lỗ khoan quan trắc đều không phát hiện hàm lượng tổng Phenol. Vì vậy thông số này chưa gây ảnh hưởng tới chất lượng nước dưới đất.
Thông số hóa chất bảo vệ thực vật Clo hữu cơ: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy trong nhóm thông số hóa chất bảo vệ thực vật Clo hữu cơ đều cho giá trị hàm lượng là không phát hiện. Với hàm lượng này thì các thông số nhóm chất này chưa gây ảnh hưởng tới chất lượng nước dưới đất.
Thông số hóa chất bảo vệ thực vật Phốt pho hữu cơ: Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước dưới đất tại 13 lưu vực sông thuộc 5 vùng quan trắc cho thấy trong nhóm thông số hóa chất bảo vệ thực vật Phốt pho hữu cơ tất cả các thông số đều không phát hiện thấy trong các lỗ khoan quan trắc. Với hàm lượng này thì các thông số nhóm chất này chưa gây ảnh hưởng tới chất lượng nước dưới đất.