Các nội dung chính của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xác lập luận cứ khoa học và thực tiễn trong quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn”

Đề tài “Nghiên cứu xác lập luận cứ khoa học và thực tiễn trong quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ “Nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025”, được Bộ Tài nguyên và môi trường giao Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì. Đề tài dự kiến được thực hiện từ 01/2024 đến 12/2025.

Trên thế giới, các nghiên cứu để tích trữ nước trong các tầng chứa nước đã được thực hiện với các mục tiêu phục hồi, khôi phục, tái tạo tài nguyên nước dưới đất đồng thời tăng khả năng tái sử dụng nguồn nước trong các điều kiện cần thiết. Nguồn nước đưa vào tích trữ trong các tầng chứa nước hiện nay chủ yếu là nước mưa, nước mặt hướng tới trong tương lai sẽ là nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn. Việc tích trữ nước trong các tầng chứa nước phục vụ cho đa mục tiêu. Quản lý tích trữ nước chính là quản lý bổ cập tầng chứa nước (MAR) là việc bổ cập có chủ đích nguồn nước vào các tầng chứa nước để phục hồi sau này hoặc vì các lợi ích về môi trường (NRMMC, EPHC và NHMRC 2009). Quá trình quản lý đảm bảo bảo vệ đầy đủ sức khỏe con người và môi trường.

Các phương pháp kỹ thuật MAR (Gale 2005, Dillon et al. 2009b)

Từ các nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy để thiết kế được các mô hình tích trữ nước trong tầng chứa nước dưới đất cần phải dựa trên những điều kiện như: đặc điểm địa hình – địa mạo, thảm thực vật, đặc điểm lớp đất phủ; Đặc điểm cấu trúc địa chất kín hay hở, thuận lợi hay không thuận lợi cho lưu trữ nước; Đặc điểm địa chất thủy văn; đặc điểm nguồn nước có thể được thu gom để tích trữ; Hiện trạng diện tích thu gom. Như vậy, có thể thấy, tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay: tích trữ nước giảm ngập lụt, tích trữ bổ cập nước dưới đất giảm nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và giảm sụt lún đất, vừa có thể khai thác sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau (cấp nước sinh hoạt, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp,…) làm tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn.

Từ những vấn đề trên nhận thấy Việt Nam cần sớm có các quy định kỹ thuật hướng dẫn cụ thể về việc tích trữ nước tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn nhằm phát triển nguồn tài nguyên nước bền vững.

Vấn đề đặt ra là cần xây dựng những quy định gì, như thế nào? Đề tài “Nghiên cứu xác lập luận cứ khoa học và thực tiễn trong quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn” được Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước thực hiện với mục tiêu như sau: 1. Xác lập được các luận cứ khoa học và thực tiễn trong quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn; 2. Đề xuất được nội dung quy định kỹ thuật quản lý quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn.

Với các mục tiêu đã đặt ra, nhóm đề tài đã đưa ra các nội dung cần thực hiện, cụ thể như sau:

– Nội dung 1: Nghiên cứu phân tích, đánh giá tổng quan về tích trữ nước, khai thác sử dụng và quản lý tích trữ nước đa mục tiêu trong các tầng chứa nước dưới đất trên thế giới. Mục đích: Xác định được thông tin số liệu, dữ liệu, quy định về tính đa mục tiêu tích trữ nước, khai thác sử dụng và quản lý tích trong các tầng chứa nước trên thế giới, rút ra các bài học kinh nghiệm.

– Nội dung 2:  Nghiên cứu phân tích, đánh giá tổng quan về tích trữ nước, khai thác sử dụng và quản lý tích trữ nước đa mục tiêu trong các tầng chứa nước dưới đất ở Việt Nam. Mục đích: Xác định được thông tin số liệu, dữ liệu, quy định về tính đa mục tiêu tích trữ nước, khai thác sử dụng và quản lý tích trong các tầng chứa nước ở Việt Nam, rút ra các bài học kinh nghiệm.

– Nội dung 3: Nghiên cứu phân tích, đánh giá các nguồn số liệu, tài liệu và kết quả điều tra, khảo sát bổ sung phục vụ xác định các nguồn nước, các tầng chứa nước có khả năng tích trữ và khả năng khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu trong các tầng chứa nước dưới đất ở khu vực nghiên cứu. Mục đích: Làm sáng tỏ được thông tin, số liệu về hiện trạng các nguồn nước tích trữ, các tầng chứa nước có khả năng tích trữ, khả năng khai thác sử dụng và các cơ chế chính sách hiện hành về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng công trình tích trữ nước ở khu vực nghiên cứu.

– Nội dung 4: Nghiên cứu phân tích, đánh giá khả năng tích trữ và khả năng nhạt hoá tại các tầng chứa nước phục vụ khai thác đa mục tiêu bằng phương pháp mô hình tại khu vực Phú Xuyên – Hà Nội. Mục đích: Đánh giá, xác định được lượng nước bổ cập và khả năng tích trữ nước vào tầng chứa nước và mức độ nhạt hoá sau khi được tích trữ để làm cơ sở đưa ra định lượng các thông số phục vụ xây dụng các quy định kỹ thuật quản lý nước đa mục tiêu.

– Nội dung 5: Nghiên cứu, xây dựng nội dung quy định kỹ thuật quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng trữ nước dưới đất tăng khả năng sử dụng tuần hoàn.

– Nội dung 6: Đánh giá tác động các quy định kỹ thuật quản lý tích trữ nước đa mục tiêu tại các tầng chứa nước dưới đất tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn ở Việt Nam.

Đề tài được thực hiện từ 01/2024 đến 12/2025, nhóm thực hiện đề tài cũng đã đánh giá được những tác động và lợi ích mà kết quả thực hiện đề tài mang lại. Các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, … để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.