Ngày 21/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên phối hợp với Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Illinois Hoa Kỳ và Viện Bảo tàng Tổng hợp quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 8 “Biến đổi khí hậu: Tác động và ứng phó”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Phillip Kalantzis-Cope, Giám đốc Common Ground Publishing, Đại học Illinois Hoa Kỳ; PGS.TS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc các tổ chức môi trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Hội thảo quốc tế lần thứ 8: “Biến đổi khí hậu: tác động và ứng phó” tập trung thảo luận về các giải pháp bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, có thể ứng dụng phù hợp với điều kiện của ViệtNam. Thông qua việc đánh giá tổn thương của biến đổi khí hậu, nghiên cứu tác động của con người và những tổn hại lên con người của biến đổi khí hậu; qua đó đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết, trong quá trình phát triển, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa tới sự tồn vong của toàn nhân loại. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.
ViệtNamlà một quốc gia có đường bờ biển dài, đã và đang chịu tác động nặng nề nhất của biển đổi khí hậu. Thiên tai, hạn hán xảy ra trên diện rộng hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước là biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu kết hợp với hiện tượng El Nino. Do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, Việt Nam hiện đang đi tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đang thực hiện nhiều sáng kiến, chính sách và hoạt động thiết thực với sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều quốc gia.
“Việc ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu nói riêng sẽ mang lại những cơ hội và thách thức nhất định đối với Việt Nam. Vì vậy, việc xác định rõ các tác động của biến đổi khí hậu đến con người và hệ sinh thái là việc làm cần thiết để từ đó, chúng ta có thể tận dụng những cơ hội và chuyển hóa những thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tích cực triển khai Thỏa thuận Paris; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam cũng sẽ làm hết sức mình để thực hiện các cam kết nêu trong Báo cáo dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam, trong đó có việc giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận về các giải pháp bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, có thể ứng dụng phù hợp với điều kiện của ViệtNam. Cụ thể là thông qua việc đánh giá tổn thương của biến đổi khí hậu và nghiên cứu tác động của con người và những tổn hại lên con người của biến đổi khí hậu; qua đó đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu ở Việt Nam. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, cường độ và tần suất bão và nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường. Các tác động này có thể là tác động trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực. Do đó, việc nhận định, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến con người và hệ sinh thái là việc làm cần thiết để từ đó, chúng ta có thể tận dụng những cơ hội và chuyển hóa những thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ông Phillip Kalantzis-Cope, Đại học Illinois Hoa Kỳ phát biểu tại Hội thảo
Theo ông Phillip Kalantzis-Cope, Đại học Illinois Hoa Kỳ, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp như, xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Thoả thuận Paris; nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản. Để làm được những vấn đề nêu trên thì vai trò của Chính phủ nói chung và chính quyền các cấp nói riêng là hết sức quan trọng.
Ông Bruno Angelet, Trường phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ở Việt Nam, tác động của hiệu ứng nhà kính là rất lớn, Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề đối mặt và giảm thiểu những tác động do hiệu ứng nhà kính cũng như những ảnh hưởng, tác động do biến đổi khí hậu gây ra”, ông Bruno Angelet, Trường phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
(Nguồn tin: CTTĐT Bộ TNMT)