(TN&MT) – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia Tống Ngọc Thanh đã đánh giá như vậy tại Hội đồng nghiệm thu Báo cáo tổng kết Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng Thủ đô Hà Nội” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Dự án do ThS. Phạm Bá Quyền – Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc làm Chủ nhiệm.
Cơ sở đảm bảo phát triển bền vững vùng Thủ đô
Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng Thủ đô Hà Nội” được thực hiện từ năm 2010 – 2015, trên diện tích tự nhiên 13.436 km2 (tại 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình) nhằm đánh giá ở mức độ sơ bộ tiềm năng, đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó, Dự án đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước, làm cơ sở để thực hiện quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
ThS. Phạm Bá Quyền cho biết, quá trình thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả trong đó quan trọng nhất là đánh giá tiềm năng tài nguyên nước vùng Thủ đô để phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước làm cơ sở quy hoạch cấp nước đảm bảo phát triển bền vững vùng thủ đô Hà Nội. Dự án cũng xác định tổng lượng nước mưa của vùng khoảng 22,05 tỷ m3/năm, tương ứng với lượng mưa trung bình đạt 1.641 mm/năm; Xác định được tổng lượng dòng chảy trung bình khoảng 127,5 tỷ m3/năm, trong đó 117,0 tỷ m3 (92%) từ vùng lân cận chảy vào và 10,5 tỷ m3 (8,1%) được hình thành trên diện tích vùng Thủ đô; Xác định tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn vùng là 27.427.605 m3/ngày; Phân vùng, đánh giá chất lượng các nguồn nước mặt, nước dưới đất theo các mục đích và đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý tại các đô thị, làm cơ sở để thực hiện quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo ThS. Phạm Bá Quyền, để vẽ lên bức tranh tổng thể tài nguyên nước vùng Thủ đô, các chuyên gia đã sử dụng nhiều phương pháp đánh giá tài nguyên nước khác nhau từ kinh điển, truyền thống. Chẳng hạn như các phương pháp giải tích đến áp dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại như sử dụng các mô hình số trong lĩnh vực thủy văn và địa chất thủy văn (SWAT, NAM, MIKE-11, GMS), dự án đã đánh giá tiềm năng các nguồn nước vùng thủ đô Hà Nội bao gồm nước mặt và nước dưới đất. Theo đó, tổng lượng dòng chảy năm trung bình của các sông trên vùng Thủ đô khoảng 127,9 tỷ m3, trong đó 119,9 tỷ m3 (chiếm 91%) từ vùng lân cận chảy vào và 11,0 tỷ m3 (chiếm 9%) được hình thành trên diện tích vùng Thủ đô. Tổng lượng dòng chảy năm phân bố không đồng đều trong vùng. Sông Đà có tỷ lệ đóng góp lớn nhất, chiếm tới 45,3% (52,97 tỷ m3), tiếp đến là sông Lô 26,7% (31,16 tỷ m3), sông Thao 21,3 % (24,95 tỷ m3), các sông Phó Đáy 0,9% (1,10 tỷ m3), Cầu 2,5% (2,9 tỷ m3), Thương 1,6% (1,89 tỷ m3), Lục Nam 1,6% lượng nước chảy vào vùng dự án. Vùng thủ đô Hà Nội gần như hứng trọn lượng nước của hệ thống sông Hồng – Thái Bình, nên lượng nước ngoại sinh vào vùng tương đối lớn, trong đó sông Hồng chảy vào vùng thủ đô Hà Nội khoảng 110,3 tỷ m3, sông Thái Bình khoảng 6,73 tỷ m3.
Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của 31 tầng chứa nước trên toàn vùng thủ đô khoảng 16.103.306 m3/ngày, trong đó các tầng chứa nước có trữ lượng lớn và có ý nghĩa trong việc khai thác nước dưới đất là tầng chứa nước Holocen 2.974.410 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen 9.101.050 m3/ngày và tầng chứa nước n2 là 1.642.925 m3/ngày; tầng chứa nước n1 là 465.883 m3/ngày và t21 hệ tầng Đồng Giao 559.154 m3/ngày,… và nhiều tầng chứa nước khác có trữ lượng tiềm năng nhỏ, ít có giá trị khai thác cung cấp nước lớn.
Để phục vụ quy hoạch cấp nước vùng thủ đô Hà Nội và phát triển kinh tế – xã hội các đô thị vệ tinh trong vùng, dự án đã phân tích, đánh giá trữ lượng tiềm năng nước dưới đất theo phạm vi đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô Hà Nội và dự báo trữ lượng có thể khai thác. Theo đó, trữ lượng tiềm năng nước dưới khu vực thành phố Hà Nội: 8.552.366 m3/ngày; khu vực Vĩnh Phúc: 678.490 m3/ngày; khu vực Hải Dương: 2.195.540 m3/ngày; khu vực Bắc Ninh: 921.292 m3/ngày; khu vực Hà Nam: 1.011.320 m3/ngày; khu vực Hưng Yên: 1.692.420 m3/ngày; khu vực Hòa Bình: 1.051.878 m3/ngày.
Trên cơ sở kết quả tính toán trữ lượng khai thác tiềm năng NDĐ trên địa bàn vùng thủ đô Hà Nội, dự án đã thành lập được bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho toàn vùng. Bản đồ và kết quả tính toán là cơ sở để quy hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất phục vụ phát triển bền vững vùng thủ đô Hà Nội.
Đề xuất phương án khai thác và bảo vệ tài nguyên nước hợp lý
Qua nghiên cứu, khảo sát và điều tra, dự án đã phân loại các đoạn sông, hồ đáp ứng cho mục đích sinh hoạt, nông nghiệp hay giao thông thủy. Chẳng hạn như: Các con sông như sông Đà và các suối nhánh, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Đuống, sông Bôi, sông Bưởi và các sông nhánh, sông Thương, sông Công, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn có chất lượng tốt, có thể sử dụng làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt có qua xử lý. Các nguồn nước mặt đang bắt đầu có dấu hiệu suy giảm chất lượng nước và nhạy cảm với tác động của việc xả thải như sông Bùi, sông Tích, hệ thống sông đào Bắc Hưng Hải, sông Kẻ Sặt, sông Cửu An, sông Cẩm Giàng, sông Luộc, sông Cà Lồ, sông Phan. Bên cạnh đó, cũng có những con sông đã và đang có biểu hiện suy giảm nghiêm trọng về chất lượng nước mặt đó là các sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đáy, sông Châu Giang, sông Cầu. Chất lượng nước ở các hồ tự nhiên và nhân tạo còn tốt. Nhiều hồ có thể sử dụng cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt có qua xử lý như hồ Hòa Bình, hồ Mèo Gù, hồ Quan Sơn. Bên cạnh đó cũng có những hồ có dấu hiệu suy giảm chất lượng nước như hồ Tây, hồ Yên Sở, hồ Cầu Bãi, hồ Tuy Lai, hồ Đầm Vạc, hồ Đông Sơn, hồ Liên Sơn.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng các nguồn nước mặt, dự án đã tính toán, xác định được dung tích hồ có thể khai thác đạt 5.783,1 triệu m3. Ngoài ra, còn tính toán và đề xuất các vị trí có thể khai thác phục vụ cấp nước cho các đô thị trong vùng tại các sông Đà, Đuống, Hồng, Phó Đáy (Vĩnh Phúc), sông Cầu, sông Luộc (Thái Bình), sông Bùi…
Kết quả thực hiện dự án cũng cho thấy: Nước dưới đất trên địa bàn vùng Thủ đô có trữ lượng khá lớn, tập trung vào các tầng chứa nước lỗ hổng trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương. Kết quả tính toán cho thấy trữ lượng khai thác tiềm năng của các tầng chứa nước lỗ hổng lên tới trên 12 triệu m3/ngày. Hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất cũng cho thấy nước dưới đất vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn vùng Thủ đô. Các công trình khai thác nước dưới đất tập trung hầu hết khai thác trong tầng cuội sỏi Pleistocen. Tuy nhiên một số khu vực có dấu hiệu suy giảm mực nước, có nguy cơ cạn kiệt. Do đó các lỗ khoan khai thác cần được bố trí hợp lý về mặt không gian để vừa tạo thuận lợi cho việc khai thác đồng thời tránh ảnh hưởng đến trữ lượng của nước dưới đất. Trên cơ sở các kết quả điều tra, đánh giá vể trữ lượng, chất lượng và hiện trạng khai thác, dự án đã bố trí các bãi giếng dự kiến để tính toán trữ lượng dự báo trong tương lai phục vụ cấp nước cho các đô thị trong vùng thủ đô, kết quả dự báo đã xác định trữ lượng khai thácdự báo tầng Pleistocen tại các bãi giếng, đảm bảo an toàn là 2.502.500 m3/ngày.
Tại những vùng khan hiếm nước như Vĩnh Phúc và Hòa Bình, cần có biện pháp khai thác nước hợp lý. Cụ thể, trước khi khai thác tiến hành điều tra chi tiết với tỷ lệ lớn hơn để xác định các đới cấu trúc triển vọng phục khai thác cho sản xuất sinh hoạt đồng thời các nguồn nước hiện có cần được khai thác hợp lý, và bảo vệ nghiêm ngặt tránh ô nhiễm, nhiễm bẩn.
Tại những vùng triển vọng khai thác nước, trước khi khai thác cần có những tính toán khai thác hợp lý, bố trí các công trình khai thác phải phù hợp tránh làm suy giảm, cạn kiệt tầng chứa nước.
Ông Tống Ngọc Thanh cho rằng, việc thực hiện dự án “Điều tra đánh giá tài nguyên nước vùng Thủ đô Hà Nội” đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá sơ bộ khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở các khu vực đô thị trong vùng Thủ đô. Ngoài ra, kết quả thực hiện dự án đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào Thủ đô Hà Nội trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng.
(Theo baotainguyenmoitruong.vn)