Những thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) lại được đưa ra bàn bạc, trao đổi tại Hội thảo “Cập nhật và chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam với báo chí khu vực Nam Bộ” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
PGS.TS Trần Thục – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,50C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai – đặc biệt là bão, lũ và hạn hán – ngày càng khốc liệt. Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 – 30C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa trong mùa mưa tăng, nhưng lượng mưa mùa khô lại giảm. Mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; trong đó TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích. Khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Tuy nhiên, vẫn theo PGS.TS Trần Thục, bên cạnh những tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội, BĐKH cũng có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, hình thành mẫu hình tiêu thụ mới, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít các-bon, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto; đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Hơn 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ thuộc chương trình này.
Nhiều dự án đã được triển khai thực hiện: Dự án Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với BĐKH nhằm giảm nhẹ và kiểm soát phát thải khí nhà kính; xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng; biên soạn sách BĐKH và tác động ở Việt Nam, tác động của BĐKH đến tài nguyên nước ở Việt Nam… Đặc biệt, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam; kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH…
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, vấn đề BĐKH thời gian qua đã và đang được các phương tiện truyền thông quan tâm, nhiều thông tin đã được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do tính mới mẻ, phức tạp và đa dạng của vấn đề nên công tác tuyên truyền vẫn chưa bắt kịp so với yêu cầu. Các chuyên gia mong muốn thông qua hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tăng cường cập nhật thông tin và tuyên truyền đến toàn thể người dân để nâng cao nhận thức cộng đồng và phản ánh kịp thời các hoạt động ứng phó với BĐKH trong cả nước.
(Theo Trần Lưu – Laodong.com.vn)