Lượng nước thất thoát trên hệ thống cấp nước tại TP.HCM được báo cáo là rất lớn, tới 40%. Bài toán khó này đã có tín hiệu được giải khi một số giải pháp chống thất thoát nước đang được thí điểm ứng dụng hiệu quả.
Giảm hơn 50% thất thoát
Sau ba năm thí điểm chống thất thoát nước ở một số điểm trên địa bàn của các công ty cấp nước Chợ Lớn, Bến Thành và Phú Hoà Tân, việc thất thoát nước đã giảm đáng kể, có nơi giảm đến hơn 50%. Dù thất thoát nước có hai nguyên nhân, hữu hình và vô hình, nhưng khảo sát thực tế cho thấy, thất thoát hữu hình chiếm phần lớn, chủ yếu là do rò rỉ đường ống. Hai phương pháp kiểm nước tiêu thụ về đêm và phối hợp ba thiết bị dò tìm rò rỉ đã được thực hiện.
Theo các công ty cấp nước, đầu tiên phải phân chia các khu vực thành những tiểu vùng (DMA) dựa vào mô hình thuỷ lực, khách hàng và mạng lưới hành chính. Mỗi DMA được lắp đặt một đồng hồ tổng để kiểm tra lượng nước vào, từ đó sẽ xác định được lượng nước thất thoát.
Tại công ty cấp nước Phú Hoà Tân, sau một thời gian thí điểm giảm thất thoát nước tại phường 1 quận 10 bằng phương pháp phối hợp ba thiết bị dò tìm rò rỉ đã giảm lượng nước thất thoát từ 52,3% vào đầu năm 2010 xuống còn 19,8% vào tháng 4.2011. Theo ông Nguyễn Văn Đắng, trưởng phòng kỹ thuật công ty cấp nước Phú Hoà Tân, sau khi xác định được vị trí rò rỉ, thì công việc còn lại là khắc phục, sửa chữa tương đối đơn giản, chỉ cần thay đường ống, hoặc cắt nối đường ống mới.
Ông Đắng hồ hởi nói: “Nếu tháng 1.2010 lượng nước phục vụ cho 86.000 hộ ở đây thất thoát đến hơn 700m3/ngày, chiếm trên 52% thì tháng 4.2011 chỉ có hơn 180m3/ngày, chiếm hơn 19%”. Như vậy, nếu so với thời điểm đầu năm 2010 thì lượng thất thoát nước hiện nay đã giảm hơn 50%”.
Cần chuẩn hoá mạng lưới cấp nước
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chống thất thoát nước, việc sử dụng hai phương pháp trên để chống thất thoát nước chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài cần phải chuẩn hoá công tác quản lý mạng lưới cấp nước. Thực tế là ngành cấp nước thành phố chưa kiểm soát được mạng lưới cấp nước nên rất khó phát hiện những điểm rò rỉ.
Nhân viên ngành cấp nước sử dụng thiết bị dò tìm để xác định vị trí rò rỉ nước.
Ông Phạm Khương Thảo, phó giám đốc công ty cấp nước Phú Hoà Tân cho rằng, muốn vậy cần phải đưa hệ thống thông tin địa lý trong công tác quản lý mạng lưới cấp nước (Phuwa GIS) vào ứng dụng. Hệ thống này sẽ là nơi lưu giữ các thuộc tính kỹ thuật số về thiết bị của ngành nước (đường ống, van, trụ cứu hoả, hầm súc xả, đồng hồ tổng, đồng hồ con…) phủ lên bản đồ địa lý, địa hình kỹ thuật số của Việt Nam. Hệ thống Phuwa GIS sẽ cung cấp thông tin với độ chính xác cao cho các công việc lên kế hoạch, thiết kế, vận hành, điều độ và bảo trì bảo dưỡng hệ thống cấp nước. Hệ thống này sẽ hiện đại hoá nghiệp vụ các ngành quản lý công trình ngầm, cho phép thực hiện nhiều công việc hơn, với các nguồn lực, tài nguyên và chi phí thấp hơn.
(Theo Hồ Quang – SGTT 2/6)