Hơn một tỉ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm!
Theo nghiên cứu của FAO “Khoảng một phần ba lượng lương thực sản xuất phục vụ con người bị thất thoát hay lãng phí mỗi năm”.
Nghiên cứu do Viện Lương thực và Công nghệ sinh học Thụy Điển thực hiện cho chương trình “Cứu lương thực!” Một chương trình hội thảo quốc tế được tổ chức ở Düsseldorf ngày 16-17 tháng 5 tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ngành Công nghệ đóng gói năm 2011.
Dưới đây là một số thông tin chính của nghiên cứu:
• Ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, sự lãng phí số lượng lương thực là tương đương nhau, 670 và 630 triệu tấn.
• Hàng năm, người tiêu dùng ở những quốc gia giàu có lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần tương đương với tổng sản lượng lương thực của vùng tiểu sa mạc Sahara, Châu Phi (320 triệu tấn)
• Hoa quả và rau cùng với cây thân rễ và cây thân củ có tỉ lệ lãng phí cao nhất trong số các loại cây lương thực.
• Số lượng lương thực bị thất thoát lãng phí hàng năm tương đương với hơn 1 nửa sản lượng ngũ cốc hàng năm của thế giới (2,3 tỉ tấn năm 2009/2010).
Thất thoát và lãng phí
Ở các nước giàu, tổng sản lượng lương thực tiêu thụ bình quân theo đầu người khoảng 900kg một năm, gần gấp đôi sản lượng lương thực được sản xuất ở nhưng vùng nghèo nhất (460kg).
Ở những nước đang phát triển 40% lương thực thất thoát xảy ra vào thời điểm sau khi thu hoạch và trong quá trình chế biến do cơ sở hạ tầng nghèo nàn, công nghệ lạc hậu và hệ thống sản xuất lương thực ít được đầu tư, trong khi đó ở những nước công nghiệp hóa, hơn 40% lương thực thất thoát ở khâu bán lẻ và tiêu dùng.
Thất thoát lương thực trong quá trình thu hoạch và bảo quản dẫn đến mất thu nhập cho những hộ nông dân nhỏ và khiến những người tiêu dùng nghèo phải chịu giá cả cao hơn. Vì thế giảm bớt sự lãng phí có thể có ảnh hưởng “tức thì và đáng kể” đến phương tiện kiếm sống của người nông dân và ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Hạn chế lãng phí tài nguyên
Việc thất thoát và lãng phí lương thực cũng chính là đang lãng phí nguồn tài nguyên bao gồm nước, đất, năng lượng, lao động và vốn. Lãng phí lương thực cũng ảnh hưởng đến việc thải khí ga nhà kính và gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Ở những nước đang phát triển vấn đề chủ yếu là kỹ thuật thu hoạch còn thiếu và lạc hậu, việc quản lý sau khi thu hoạch và công tác hậu cần kém, thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp, thiếu dịch vụ chế biến và đóng gói, thiếu thông tin tiếp thị giúp việc sản xuất đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Vì vậy, lời khuyên ở đây là nâng cao chuỗi cung cấp lương thực bằng cách giúp đỡ những người nông dân sản xuất nhỏ có điều kiện liên hệ trực tiếp với người mua hàng. Các khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước cũng nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như đầu tư vào quy trình chế biến và đóng gói.
Không quá chú trọng vào hình thức bên ngoài
Ở khâu bán lẻ, số lượng lớn lương thực cũng bị lãng phí do tiêu chuẩn chất lượng chú trọng quá nhiều vào hình thức bên ngoài. Các cuộc khảo sát đã cho thấy rằng người tiêu dùng sẵn sàng mua những sản phẩm có hình thức bên ngoài bình thường miễn là nó an toàn và ngon.
Một đề xuất khác được đưa ra là bán nông sản gần gũi hơn với người tiêu dùng, không phải để tâm đến những tiêu chuẩn chất lượng ở các siêu thị. Có thể làm được theo đề xuất này nếu thông qua việc mở các chợ nông sản và các cửa hàng bán đồ nông sản.
Một cách khác đó là không nên bỏ đi những đồ ăn thừa, thực phẩm thừa. Các tổ chức thương mại và từ thiện nên hợp tác và phối hợp với người bán lẻ để thu nhận những đồ ăn thừa, thực phẩm thừa. Sau đó, bán lại hoặc sử dụng lại thực phẩm đã bị bỏ đi mà vẫn còn tốt, an toàn và có giá trị dinh dưỡng
Và thay đổi thái độ người tiêu dùng
Người tiêu dùng ở những nước giàu thường được khuyến khích và có thói quen mua nhiều lương thực hơn nhu cầu họ cần. Một số chiến dịch khuyến mại như mua 3 tặng 1 là ví dụ điển hình, trong khi đó những bữa ăn mà đồ ăn mua quá nhiều thì sẽ dẫn đến thừa. Các nhà hàng thường tổ chức những bữa tiệc buffet tiệc đứng với giá cố định, khách hàng chỉ cầm đĩa và đi đến bàn ăn lựa chọn những món ăn mình thích. Họ không biết được người dân vất vả như thế nào để sản xuất ra những thức ăn đó.
Bản báo cáo cũng chỉ ra là thông thường người tiêu dùng không thể lên kế hoạch mua đồ ăn một cách hợp lý. Điều này có nghĩa là họ thường bỏ đi những đồ ăn ngon, nhiều chất dinh dưỡng và chưa hết hạn sử dụng.
Đề xuất được đưa ra để giảm thiểu sự lãng phí đó là ngành giáo dục ở các trường học nên có trách nhiệm tuyên truyền làm thay đổi thái độ người tiêu dùng. Người tiêu dùng ở những nước giàu nên được giáo dục rằng bỏ phí đồ ăn là điều không thể chấp nhận được. Họ cũng nên nhận thức được rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn, việc hạn chế lãng phí đồ ăn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tăng sản lượng lương thực để nuôi sống lượng dân số thế giới đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc đóng gói thích hợp là nhân tố chính làm ảnh hưởng đến việc thất thoát lương thực ở hầu hết các giai đoạn của quá trình cung cấp lương thực đến tay người tiêu dùng.
(Theo DWRM)