Cách xử lý nước thải tại làng nghề đạt hiệu quả

tt220Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường (TN&BVMT) – Sở Tài nguyên & Môi trường Vĩnh Phúc vừa xây dựng thành công mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể Bastaf tại làng nghề rắn xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Xã Vĩnh Sơn có 1.153 hộ có tới 80% số hộ nuôi rắn đã làm môi trường tại các ao, hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình, một ngày xã Vĩnh Sơn thải ra cả đầu, ruột của chuột, gà con, rắn con, cóc, thức ăn thừa của rắn ăn, phân rắn. Phần lớn các hộ dân ở Vĩnh Sơn đều nuôi rắn theo thủ công, chuồng trại tạm bợ, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cống thoát nước…Mọi chất thải đều đổ dồn ra cống rãnh ao hồ, ngấm xuống nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khẻo người dân, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Trước thực trạng này, Trung tâm TN&BVMT đã nghiên cứu xây dựng bể Bastaf xử lý nước thải tại tuyến cụm dân cư xã Vĩnh Sơn với quy mô 1.100 m2. Theo thiết kế vị trí tuyến cụm dân cư xây dựng bể Bastaf thuộc một phần của thôn 1, thôn 4 và thôn 5, nằm cách trung tâm huyện Vĩnh Tường 4 km. Trong đó, dân số khu vực xây dựng bể xử lý nước thải tại Vĩnh Sơn khoảng trên 800 người. Toàn bộ nước thải sinh hoạt trong tuyến cụm dân cư được thu gom theo hệ thống thu gom nước thải chung và đưa về bể Bastaf. Nước thải đưa qua các ngăn lắng với thời gian lưu là 1 ngày đủ để làm lắng những cặn có kích thước lớn, tsau đó nước thải được đưa qua ngăn kỵ khí. Ở đây nước thải được lưu với thời gian là 3 ngày. Các vi sinh vật hô hấp yếm khí hoặc hô hấp tùy tiện sẽ sử dụng các hợp chất hữu cơ trong nước thải làm thức ăn để tổng hợp thành sinh khối. Quá trình phân hủy này sẽ làm cho lượng sinh khối của vi sinh vật tăng lên, bám dính lại với nhau làm tăng khối lượng của chúng và kéo nhau cùng lắng xuống. Tiếp sau đó nước thải được đưa qua ngăn lọc kỵ khí và tiếp tục đưa sang ao sinh học và cuối cùng thải ra môi trường.
Theo kết quả phân tích thử nghiệm nước thải sau xử lý bằng bể Bastaf đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam, có thể thải thẳng ra môi trường không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Đặc biệt, mô hình xử lý nước thải bằng bể lọc sinh học dễ xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo quản, giá thành giẻ, rất phù hợp với ứng dụng tại các làng nghề. Dự kiến sắp tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai áp dụng nhân rộng ra toàn tỉnh, nhằm giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề thải ra môi trường.

 


 

(Theo Monre.gov.vn)